* Ngày 29-10-2009: Công bố quyết định công nhận Tp. Hải Dương là đô thị loại II. Sau gần 7 năm được nâng cấp lên đô thị loại II, thành phố Hải Dương đã có những bước tiến vượt bậc về mọi mặt, đời sống của Nhân dân được nâng cao. Đặc biệt, trong 5 năm (2010-2015), tổng nguồn vốn huy động đầu tư trên địa bàn thành phố ước đạt hơn 5,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của thành phố tăng 10,58%/năm; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 19,84%/năm và thu ngân sách trên địa bàn thành phố tăng 19,4%/năm…
Một góc Tp. Hải Dương hôm nay.
* Ngày 29-10-1924: Ngày sinh nhà văn Trang Thế Hy. Nhà văn Trang Thế Hy quê huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Trong cuộc đời cầm bút, Trang Thế Hy viết không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 50 truyện ngắn, nhưng mỗi truyện ngắn của ông là một tuyên ngôn về cuộc sống mà độc giả tìm thấy tấm chân tình gần gũi, tha thiết mà ông dành cho cuộc đời. Những truyện ngắn gắn liền với tên tuổi Trang Thế Hy là “Nắng đẹp miền quê ngoại” (năm 1964), “Mưa ấm” (năm 1981), “Người yêu và mùa thu” (năm 1981), “Vết thương thứ 13” (năm 1989), “Tiếng khóc và tiếng hát” (năm 1993). Ngoài viết văn, ông còn sáng tác gần 20 bài thơ, trong đó có 13 bài in thành tập. Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận xét các bài thơ đó là hồn cốt của ông - một người hiền của văn chương Nam Bộ. Nhà văn Trang Thế Hy mất ngày 8-12-2015.
* Ngày 29-10-1933: Ngày mất bác sĩ, nhà vi khuẩn học nổi tiếng người Pháp Albert Calmette. Albert Calmette sinh ngày 12-7-1863 tại Nice, Pháp. Ông là một thành viên quan trọng của viện Pasteur. Trong thời gian làm việc tại Việt Nam từ năm 1891- 1893, Calmette nghiên cứu nọc độc của rắn và ong, nhựa và các chất độc của thực vật. Ông cũng tổ chức sản xuất các vắc-xin chống bệnh đậu mùa, bệnh dại và thực hiện nghiên cứu về bệnh tả, cũng như sự lên men của thuốc phiện và gạo. Năm 1894, Calmette trở lại Pháp và phát triển kháng độc tố đầu tiên, chống các vết cắn của rắn độc. Công trình thành công nhất gắn liền tên tuổi của ông với lịch sử y học là việc chế tạo thành công vắc-xin phòng chống bệnh lao vào năm 1921. Ngày nay, chế phẩm này đã trở thành vắc-xin được dùng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.
Theo TTXVN