Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran
Hassan Rouhani tại cuộc họp báo sau Hội đàm (Ảnh TTXVN)
Tổng thống Iran Hassan Rouhani thăm Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Hassan Rouhani đã tiếp kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Iran. Tuyên bố chung có đoạn viết:
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hassan Rouhani bày tỏ hài lòng về những tiến triển trong quan hệ song phương kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 43 năm. (…)
Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp thông qua các kênh chính phủ, quốc hội, địa phương, nhân dân, doanh nghiệp hai nước, khẳng định cần tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có .(…)
Phía Iran đánh giá cao việc Việt Nam ủng hộ Iran gia nhập Hiệp ước Thân Thiện và Hợp tác ASEAN (TAC). Hai bên khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực và cùng nỗ lực vì sự tiến bộ và thịnh vượng ở khu vực châu Á trong đó có ASEAN.
Hai bên nhất trí tăng cường hoạt động tham vấn lẫn nhau trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực và quốc tế. (…)
Hai nhà Lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp cận thị trường của nhau nhằm sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 2 tỷ USD trong thời gian tới. Hai bên chia sẻ ý tưởng về thúc đẩy hợp tác trồng lúa của Iran ở Việt Nam để xuất khẩu sang Iran. Hai nhà Lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, nông nghiệp, năng lượng, an ninh và các lĩnh vực khác. Phía Việt Nam ghi nhận đề nghị của phía Iran về việc sớm thành lập các ủy ban chung về đầu tư và ngân hàng.
Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh tham vấn và trao đổi trong cuộc chiến chống buôn lậu hàng hóa, buôn bán ma túy và các chất gây nghiện, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm mạng, củng cố các cơ chế hợp tác liên quan.
Hai nhà Lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác giáo dục bậc đại học, trao đổi giảng viên và sinh viên, du lịch, y tế, thanh niên và thể thao. Nhằm tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân, hai bên nhất trí ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh của công dân hai nước.
Về các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, Việt Nam và Iran cùng chung quan điểm rằng tình hình quốc tế đang có những thay đổi sâu sắc và phức tạp. Trong bối cảnh đó, hai bên nhấn mạnh các quốc gia đang phát triển cần tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế. Hai nhà lãnh đạo tin tưởng rằng hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và Tây Á cần phải được duy trì vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam và Iran nhất trí cho rằng, cộng đồng quốc tế cần quyết tâm trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan và ủng hộ các đối thoại về chính sách và hợp tác thực chất trong vấn đề này. Hai bên đánh giá cao Nghị quyết “Thế giới chống lại bạo lực và cực đoan” (WAVE) của Đại hội đồng Liên hợp quốc, được thông qua theo đề xuất của Ngài Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran, cho rằng đây là một cơ chế thích hợp nhằm đạt được mục tiêu này…”
Cử tri Colombia bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận hòa bình
Gần 34,9 triệu cử tri Colombia đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 2/10/2016 về thỏa thuận hòa bình lịch sử vừa được ký kết giữa Chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng (FARC) ngày 26/9 vừa qua. Tuy nhiên, trong 99,59% số phiếu được kiểm, chỉ có 49,76% cử tri ủng hộ và có đến 50,23% cử tri bác bỏ thỏa thuận trên.
Theo các nhà phân tích, sở dĩ người dân Colombia lựa chọn quay lưng với thỏa thuận hòa bình là bởi họ đã quá chán nản với cuộc xung đột dai dẳng. Không những thế, nếu thỏa thuận hòa bình có hiệu lực, sẽ cho phép hàng ngàn lính FARC tái hòa nhập xã hội. Và có lẽ, người dân Colombia lo sợ những người lính FARC sẽ gây bất ổn về an ninh.
Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, mọi nỗ lực và thiện chí của Chính phủ, FARC và các bên trung gian hòa giải trong gần 4 năm qua để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt 5 thập kỷ ở Colombia đã trở nên vô nghĩa.
Hungary trưng cầu dân ý về vấn đề di cư
Ngày 2/10/2016, cử tri Hungary đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch bắt buộc của Liên minh châu Âu. Kết quả, 94,8% số phiếu cho thấy tỷ lệ người dân nước này phản đối kế hoạch. Tuy nhiên, kết quả cuộc trưng cầu dân ý lại không có giá trị do tỷ lệ cử tri đi bầu thấp, chưa đủ tỷ lệ tối thiểu 50%.
Trong cuộc khủng hoảng di cư Hungary đã trở thành quốc gia nằm trên tuyến đường trung chuyển từ khu vực Tây Balkan đến Đức và các nước Liên minh châu Âu khác. Để giải quyết vấn đề này, vào tháng 9/2015, Ủy ban châu Âu đã phân bổ 160.000 người tị nạn sang nhiều nước Liên minh châu Âu khác trong thời hạn hai năm. Theo quyết định của Ủy ban châu Âu, Hungary phải nhận 1.294 người tị nạn và Thủ tướng Viktor Orban cho rằng con số này là áp đặt.
Nhằm phản đối kế hoạch của Ủy ban châu Âu, Thủ tướng Orban tổ chức trưng cầu dân ý để khai thác tâm lý chung của người dân Hungary là không muốn tiếp nhận người tị nạn. Tuy nhiên kết quả trưng cầu không làm thay đổi được hiệu lực bắt buộc của Liên minh châu Âu.
Những động thái này sẽ càng làm Liên minh châu Âu đứng trước nhiều thách thức và gây phân hóa trong nội bộ.
Quan hệ Nga - Mỹ lại gia tăng căng thẳng
Ngày 3/10, Mỹ tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán với Nga về nỗ lực chấm dứt bạo lực ở Syria đồng thời cáo buộc Moskva không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận ngừng bắn ngày 9/9. Phản ứng trước quyết định của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định đây là một quyết định rất đáng thất vọng và cáo buộc Mỹ không thực hiện nhiều thỏa thuận đã đạt được về việc rút quân, mở đường cho các hoạt động nhân đạo. Những bất đồng giữa Nga và Mỹ khiến hy vọng về một nền hòa bình cho Syria càng trở nên mù mịt.
Căng thẳng giữa Nga và Mỹ lại tiếp tục bị đẩy lên cao khi ngày 5/10, Nga quyết định đình chỉ thỏa thuận hạt nhân và nghiên cứu năng lượng hạt nhân ký năm 2013 với Mỹ nhằm đáp trả việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt Moskva liên quan tới vấn đề Ukraine.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Nga và Mỹ đang ngày càng giảm đối thoại và tăng đối đầu không chỉ gây tổn hại đến an ninh, kinh tế của hai nước, mà còn bất lợi đối với môi trường hòa bình và phát triển trên toàn cầu.
Cơ quan Phòng vệ biển và biên giới của châu Âu (EBCG) chính thức hoạt động
EBCG là tổ chức biên phòng mới của Liên minh châu Âu và có mục đích bảo vệ hiệu quả hơn đường biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu trong bối cảnh "Lục địa già" đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm một giải pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.
EBCG sẽ được triển khai tại trạm kiểm soát Kapitan-Andreevo, nằm trên biên giới giữa Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ. EBCG có lực lượng thường trực khoảng 1.500 người thuộc 19 nước thành viên và có thể được huy động bất kỳ trong trường hợp khẩn cấp. Liên minh châu Âu hy vọng lực lượng mới này không chỉ tăng cường an ninh mà còn giúp hàn gắn những bất đồng lớn giữa các nước Đông và Tây Âu liên quan đến làn sóng người di cư. Ngoài ra, mục tiêu lâu dài của lực lượng này là tăng cường kiểm soát biên giới giữa các quốc gia nội khối và khôi phục Hiệp ước Schengen (miễn thị thực đi lại giữa các nước thành viên).
Ông António Guterres được đề cử làm Tổng thư ký Liên hợp quốc
Sau 6 cuộc bỏ phiếu không chính thức và 1 cuộc bỏ phiếu chính thức, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí đề cử cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha António Guterres, làm Tổng thư ký Liên hợp quốc thay ông Ban Ki Moon sẽ mãn nhiệm vào cuối năm 2016. Điểm mới của tiến trình bầu chọn người đứng đầu Liên hợp quốc năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử Liên hợp quốc, tiến trình bầu chọn và bổ nhiệm được dựa trên các nguyên tắc minh bạch.
Ông Guterres sinh năm 1949 tại Bồ Đào Nha, và học ngành kỹ sư vật lý. Ông thông thạo tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Ông gia nhập đảng Xã hội Bồ Đào Nha năm 1974 và trở thành chính trị gia chuyên nghiệp. Từ năm 1995 đến năm 2002, ông giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha. Từ năm 2005 đến năm 2015, ông trở thành người phụ trách Cao ủy LHQ về người tị nạn. Ông được ghi nhận có nhiều nỗ lực để buộc các nước giàu phải giúp đỡ nhiều hơn cho người dân các nước phải chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột và nghèo đói.
Sau khi đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chính thức thông qua, ông Guterres cũng sẽ phải được Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu tín nhiệm trước khi nhậm chức vào ngày 1/1/2017.
Công bố các giải thưởng Nobel 2016
Ngày 3/10/2016: Hội đồng giải thưởng Nobel công bố giải Nobel Y học năm 2016 thuộc về nhà khoa học người Nhật Bản Yoshinori Ohsumi với công trình nghiên cứu các cơ chế phân tách và tái tạo các thành phần tế bào. Đây là thành tựu khám phá ra cơ chế tự thực, một quá trình cơ bản trong tế bào. Theo tiêu chí của giải Nobel Y học, các khám phá đoạt giải phải có tầm quan trọng đặc biệt trong y học và khoa học đời sống, thay đổi các khuôn mẫu khoa học và đem lại lợi ích lớn cho con người.
Ngày 4/10/2016: Giải Nobel Vật lý 2016 thuộc về ba nhà khoa học sinh ra tại Anh là David J.Thouless, Duncan Haldane và Micheal Kosterlitz vì những phát hiện lý thuyết về sự chuyển pha tôpô học và các pha tôpô của vật chất. Những nghiên cứu mang tính tiên phong của bộ ba nhà khoa học nói trên đã mở ra hy vọng về khả năng tìm kiếm các dạng biến đổi mới lạ của vật chất.
Ngày 5/10/2016: Giải Nobel Hóa học năm 2016 thuộc về ba nhà khoa học Jean-Pierre Sauvage thuộc trường Đại học Tổng hợp Strasbourg của Pháp, J. Fraser Stoddart thuộc trường Đại học Northwestern của Mỹ và Bernard L. Feringa thuộc trường Đại học Tổng hợp Groningen của Hà Lan nhờ thiết kế và chế tạo ra các cỗ máy phân tử.
Ngày 7/10/2016: Giải Nobel Hòa bình 2016 thuộc về Tổng thống Colombia, Juan Manuel Santos về những nỗ lực của ông nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 50 năm tại quốc gia Nam Mỹ này. Đây là cuộc chiến đã làm 220.000 người Colombia thiệt mạng và 6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Sau 4 năm kiên trì đàm phán với nỗ lực và thiện chí của Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) cùng với sự hỗ trợ của các bên trung gian hòa giải, ngày 24/8/2016 vừa qua, Chính phủ Colombia và FARC đã đạt được thỏa thuận hòa bình.
Tuy nhiên, thỏa thuận hòa bình này đã bị người dân Colombia bác bỏ trong một cuộc trưng cầu ý dân tổ chức ngày 2/10/2016 nhưng Tổng thống Santos vẫn kiên trì khẳng định sẽ quyết tâm theo đuổi hòa bình và đối thoại dân tộc cho đến khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam