* Tăng cường quan hệ nội khối
Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đăng cai cùng lúc ba hội nghị: ACMECS 7, CLMV 8, WEF Mekong và đã đạt được nhiều thành công; trong đó WEF Mekong là sáng kiến của Việt Nam.
Hội nghị có sự tham dự đông đảo của lãnh đạo các nước có liên quan. Đặc biệt lần này Việt Nam có sáng kiến mới, đó là mời các đối tác phát triển cùng tham dự tất cả các sự kiện, như: Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á, các tập đoàn lớn của Diễn đàn Kinh tế thế giới và các nước trong khu vực, trong đó có nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế có mặt tại Hà Nội đã cùng tham gia ACMECS 7 và CLMV 8.
Hội nghị đã đưa ra các biện pháp mới như: Tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, phấn đấu một xã hội hướng về dân, kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội nghị không những bàn về chủ trương mà còn đưa ra các biện pháp cụ thể với nhiều dự án khu vực để kết nối ACMECS và CLMV. Các nước thấy rằng, cần tăng cường quan hệ nội khối tốt hơn, đồng thời phát triển mạnh mẽ mối quan hệ với các nước phát triển, từ các nước nhóm đầu ASEAN, Liên minh châu Âu... các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á.
Về kết quả nổi bật trong nội dung hợp tác mà ba Hội nghị đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hội nghị đã bàn các biện pháp huy động nguồn lực nhằm phát triển và khơi dậy tiềm năng khu vực Mê Công. Hội nghị cũng đưa ra những cơ hội và thách thức của cuộc C ách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với tiến trình công nghiệp hóa khu vực Mê Công và các giải pháp kết nối; các biện pháp để tăng cường hợp tác giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó nhấn mạnh, các nước CLMV có sự phát triển chậm trễ hơn do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện tự nhiên khó khăn, cần cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, ứng dụng nền kinh tế số vào các nước này kịp thời hơn, phát huy các tiềm năng thế mạnh vào các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ thông tin. Các nước đưa ra nhiều biện pháp tích cực vào quá trình thực hiện các dự án mà các nước đặt ra.
Để Việt Nam có thể tận dụng những kết quả của các hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc chuẩn bị các dự án có tính khả thi cao để kết nối là rất quan trọng. Việt Nam cần nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chính phủ kiến tạo, liêm chính, phát triển hành động, chủ động quản lý kinh tế-xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo nguồn lực tốt nhất để phát triển kinh tế-xã hội kịp các nước.
* Sử dụng hiệu quả, hợp lý và công bằng nguồn nước sông Mê Công
Ông Vũ Quang Minh, Trưởng đoàn quan chức cao cấp của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao CLMV 8 và ACMECS 7 cho biết, vấn đề quản lý, sử dụng và đặc biệt là sử dụng một cách công bằng nguồn nước chảy qua các quốc gia đối với con sông quốc tế như Mê Công là rất quan trọng. Vấn đề này không chỉ được đề cập ở các diễn đàn lần này mà còn được đề cập ở các diễn đàn khác như: Mê Công-Nhật Bản, Mê Công-Hàn Quốc, Mê Công-Mỹ trong khuôn khổ Nhóm những người bạn của hạ nguồn Mê Công, Mê Công-Trung Quốc…
Cũng theo ông Vũ Quang Minh, Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) là một tổ chức quốc tế với các thỏa thuận điều khoản mang tính ràng buộc, yêu cầu các thành viên của tổ chức đó phải tuân thủ khi sử dụng nguồn nước, con sông chung là Mê Công. Vì vậy, trong khuôn khổ ACMECS và CLMV lần này, nội dung phát triển bền vững và bảo vệ, sử dụng hiệu quả, hợp lý và công bằng nguồn nước sông Mê Công được coi là nội dung rất quan trọng, được thể hiện trong cả hai văn kiện cấp cao là Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao CLMV 8 và Tuyên bố Hà Nội của ACMECS 7. Các cam kết trong hai văn kiện lớn này mang tính chất khuôn khổ, định hướng cho các nước xây dựng kế hoạch phát triển của mình cũng như để phát triển các dự án hợp tác giữa các nước.
Các tuyên bố có phần liên quan đến hợp tác nguồn nước như: Khẳng định phải tăng cường sự hợp tác giữa các nước trong việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của sông Mê Công; cam kết tiến tới nỗ lực đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có vấn đề sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bình đẳng, công bằng nguồn nước cũng như nguồn tài nguyên khác.
Theo TTXVN