Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ. Ảnh: Đình Nam
Tại buổi thảo luận, các đại biểu cho rằng, đất nước chúng ta là nước nông nghiệp, sau 30 năm đổi mới chúng ta đã đạt được những thành tựu cơ bản, bước đầu chuyển từ tự cung tự cấp sang nền nông nghiệp kinh tế hàng hóa. Cho đến năm 2015 chúng ta đã lo được thực phẩm cho 90 triệu dân mà còn xuất khẩu tới 30 tỷ USD. Đây là cố gắng rất lớn của đất nước.
Tuy nhiên ngoài những thành tựu đó thì còn nhiều điểm tồn tại rất lớn là hiện nay nước ta đều dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ (16,3 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ) trong khi diện tích cây trồng lâu năm, thủy sản thì chỉ khoảng 10 triệu héc ta. Như vậy, bình quân một hộ mới chỉ có 0,25ha, đây là mức bình quân đất thấp nhất thế giới (ở mức 0.5 ha). Chính vì manh mún như vậy nên năng suất lao động và thu nhập của người nông dân rất thấp và đặc biệt là không hình thành được vùng hàng hóa chuỗi tập trung. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản gây rất khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, hầu hết các đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; khuyến khích phát triển xây dựng cánh đồng lớn; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đạt năng suất, chất lượng cao thì cần thiết phải mở rộng diện được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Về dự kiến miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp cho các hộ gia đình, cá nhân, kể cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm là không lớn và có tác động không đáng kể tới thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu có miễn thuế sử dụng đất cho các doanh nghiệp, tổ chức chính trị quản lý thì quy định như thế nào và thời gian là bao nhiêu năm?
Về thời hạn miễn thuế, Đại biểu Nguyễn Xuân Cường- Bắc Kạn cho rằng, chúng ta đang trong lộ trình nền nông nghiệp dễ tổn thương và cạnh tranh khốc liệt, vì vậy mọi chính sách nông nghiệp nên có một khoảng thời gian để khuyến khích, nếu chỉ đề ra đến năm 2020 thì chỉ còn 3 năm nữa, chính thời gian quá ngắn không khuyến khích được các đối tượng tập trung đầu tư đặc biệt là kinh tế tập thể cũng như đối tượng kinh tế chủ thể. Đa số các đại biểu đề xuất thời hạn miễn thuế nên kéo dài đến năm 2025.
Nhiều đại biểu đề nghị, về đối tượng đất nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội quản lý mà lại giao cho các đối tượng khác sử dụng, cần phải nghiêm túc kiên quyết thu hồi. Đặc biệt, phải xác định rõ mục đích của việc thu hồi là để giao lại cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng có hiệu quả.
Ngoài ra, Đại biểu Trần Tất Thế- Hà Nam cho rằng, hiện nay, những người sinh ra từ năm 1982 đến nay chưa được cấp đất nông nghiệp, trong khi có những người đã chết 20 năm mà vẫn còn đất nông nghiệp chưa thu hồi; đề nghị cần rà soát kỹ để đảm bảo cấp đất đúng đối tượng cho những người có nhu cầu và có khả năng sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng, để việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn, thì cần có chính sách hỗ trợ người dân dồn điền đổi thửa, để tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Về thời hạn miễn thuế, nhiều đại biểu đồng tình thời hạn miễn thuế đến hết ngày 31/12/2020, nhưng Chính phủ cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, sửa đổi phù hợp và ban hành chính sách chung về thuế đối với đất đai, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Nguồn: quochoi.vn