Đoàn ĐBQH các tỉnh Long An, Bạc Liêu, Cà Mau, Tuyên Quang thảo luận tại tổ sáng 21/10.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày cho biết Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS) được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật này, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và cơ quan hữu quan khác tiến hành rà soát tổng thể các quy định của BLHS để phát hiện những sai sót và đề xuất phương án khắc phục nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn. Kết quả rà soát đã được báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền.
Chính phủ cho rằng cần sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của BLHS năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế, liên quan đến một số chính sách cụ thể, được thể hiện trong một số điều luật của BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của BLHS, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc sửa đổi không làm thay đổi những chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng BLHS năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Theo đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều, gồm 18 điều thuộc phần những quy định chung và 123 điều thuộc phần các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 1 điều.
Theo Tờ trình của Chính phủ, để khắc phục một cách toàn diện, triệt để những bất cập, mâu thuẫn trong quy định của BLHS về các mức định lượng cụ thể thì phải rà soát, sửa đổi một khối lượng khá lớn các điều khoản có liên quan của BLHS năm 2015 (riêng về tỉ lệ tổn thương cơ thể sẽ liên quan đến khoảng 80 điều của Bộ luật) và có những vấn đề rất khó thống nhất về tiêu chí chung để quy định nhằm bảo đảm tính thống nhất.
Do vậy, tinh thần chung là tiếp tục duy trì số lượng các điều khoản đã được cụ thể hóa trong BLHS năm 2015; đồng thời vẫn phải chấp nhận khả năng BLHS có những quy định mang tính định tính, ví dụ như: Các tình tiết về hậu quả (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) hoặc tình tiết về số lượng (lớn, rất lớn, đặc biệt lớn)... trong một số trường hợp để quy định đối với một số tội danh cụ thể và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ hướng dẫn việc áp dụng thống nhất các quy định này và phát triển án lệ.
Cụ thể, đối với các tội phạm liên quan đến vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ (Điều 304 và Điều 305) thì việc định lượng cụ thể, chi tiết đến từng loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc vật liệu nổ là hết sức khó khăn và không thể liệt kê đầy đủ được vì các loại vũ khí, phương tiện, vật liệu nổ này rất đa dạng, trong đó có những loại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thuộc loại bí mật nhà nước. Do vậy, dự thảo Luật đã không quy định định lượng cụ thể các nội dung trên tại các Điều 304 và 305, đồng thời Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Chủ nhiệm Lê Thị Nga trình bày cho biết tuy thời gian ngắn nhưng hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, có báo cáo đánh giá tác động, bản thuyết minh chi tiết, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành có liên quan… Về cơ bản, hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình Quốc hội.
Trên cơ sở đó, Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với quan điểm của Chính phủ là sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, trong một chừng mực nhất định, đề nghị Quốc hội cho phép có một vài quy định chưa thể cụ thể hóa hết được mà vẫn phải có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ hoặc nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và án lệ của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao; việc sửa đổi phải trên cơ sở rà soát, phát hiện hết các sai sót trong BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng khuyến cáo, cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của BLHS năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian, việc tổ chức xin ý kiến nhân dân, chỉnh lý, tiếp thu dự án BLHS năm 2015 chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn với 6 tháng mà thôi. Do vậy, nếu lần sửa đổi này tiếp tục thực hiện trong điều kiện gấp gáp về thời gian thì rất khó bảo đảm chất lượng.
Quá trình rà soát những sai sót của BLHS năm 2015, nhiều bộ ngành đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều luật cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho thấy, còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu để có phương án sửa đổi phù hợp. Do vậy, để bảo đảm thận trọng, tránh việc sau khi sửa đổi vẫn còn phát hiện những sai sót ảnh hưởng đến tính thống nhất của Bộ luật và bảo đảm chất lượng của dự thảo luật thì phải đủ thời gian vật chất cần thiết.
Nguồn: chinhphu.vn