Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Kinh tế Bulgaria
Tiếp Bộ trưởng Bojidar Loukarsky, Thủ tướng cho rằng Việt Nam-Bulgaria có quan hệ truyền thống tốt đẹp từ lâu đời. Những năm gần đây, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại Việt Nam-Bulgaria tuy có phát triển, song ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác về kinh tế, thúc đẩy giao dịch thương mại về hàng hóa và dịch vụ cũng như đầu tư; khẳng định Chính phủ Việt Nam ủng hộ các doanh nghiệp Bulgaria kinh doanh lâu dài và triển khai các dự án hiệu quả tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Kinh tế Bulgaria Bojidar Loukarsky.
Bộ trưởng Bojidar Loukarsky cũng nhìn nhận, quan hệ kinh tế Việt Nam-Bulgaria chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ hai nước và đây là một trong những lý do ông có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.
Thông báo về kết quả cuộc hội đàm với Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, ông Bojidar Loukarsky bày tỏ mong muốn Bulgaria sẽ trở thành cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam xâm nhập thị trường châu Âu, cũng như Việt Nam là cửa ngõ để Bulgaria vào thị trường Đông Nam Á.
“Tôi có niềm tin là quan hệ kinh tế, thương mại hai nước sẽ phát triển mạnh thời gian tới. Quan hệ chính trị tốt đẹp sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế”, ông Bojidar Loukarsky chia sẻ.
Trước đó, ngày 17/10, Diễn đàn "Doanh nghiệp Việt Nam-Bulgaria" đã được tổ chức với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế Bulgaria Bojidar Loukarsky, cùng nhiều doanh nghiệp của hai nước. Tại đây, hai bên đã tiếp xúc, trao đổi về nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Thủ tướng tiếp Đại sứ Mông Cổ
Tại buổi tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Mông Cổ tại Việt Nam Dorj Enkhbat đến chào từ biệt kết thúc nhiệm kỳ, Thủ tướng đánh giá cao những thành công của Đại sứ trong nhiệm kỳ tại Việt Nam, qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị và truyền thống hai nước, đưa quan hệ hai nước có bước phát triển mới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam Dorj Enkhbat.
Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, hai bên đã hợp tác tốt trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, Phong trào Không liên kết (NAM), Diễn đàn khu vực (ARF).
Trong lĩnh vực kinh tế, hai nước đã có những kết quả bước đầu. Kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt trên 30 triệu USD. Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác và thế mạnh mỗi nước. Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại theo hướng Mông Cổ xuất khẩu thịt gia súc sang Việt Nam và ngược lại, Việt Nam xuất khẩu cà phê, gạo và các nông sản khác sang Mông Cổ.
Để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tăng cường tiếp xúc trao đổi ở các cấp, nhất là cấp cao.
Đại sứ Dorj Enkhbat bày tỏ vinh dự được làm việc tại Việt Nam, ấn tượng về những thành công của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đại sứ cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi giúp ông hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Thời gian tới, dù ở cương vị nào, Đại sứ Dorj Enkhbat cho biết sẽ nỗ lực góp sức thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Thủ tướng tiếp đoàn doanh nghiệp Nhật Bản
Hoan nghênh đoàn doanh nghiệp (DN) Nhật Bản sang thăm, tìm hiểu thị trường, cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản ngày càng phát triển hết sức tốt đẹp trên mọi lĩnh vực.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị JCCI phối hợp tốt hơn với các cơ quan chức năng của Việt Nam; triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy các ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược Công nghiệp hóa Việt Nam-Nhật Bản; thực hiện tốt sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 6 và các giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Yoichi Kobayashi, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Mekong-Nhật Bản thuộc JCCI.
Thủ tướng cũng đề nghị JCCI tiếp tục hợp tác để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược Công nghiệp hóa như điện, điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Cùng với đó là vận động Chính phủ Nhật Bản ưu tiên Việt Nam trong chính sách mở rộng tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam cả về số lượng và ngành nghề.
Thủ tướng nhấn mạnh, những vấn đề liên quan đến thuế, hải quan, bán lẻ, phân phối, nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng mà phía DN Nhật Bản đề nghị, Chính phủ Việt Nam sẽ giao các cơ quan chức năng giải quyết, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước thời gian tới.
Ông Yoichi Kobayashi cho biết Các DN Nhật Bản rất vui mừng khi các đề xuất, khó khăn đã được lãnh đạo Bộ KH&ĐT Việt Nam giải đáp, tháo gỡ. Con số hơn 1.600 DN Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam cho thấy ngày càng nhiều DN Nhật Bản coi trọng đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh những yếu tố hấp dẫn như kinh tế tăng trưởng cao, chính trị ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao… thì người dân Việt Nam có tình cảm tốt đẹp với Nhật Bản. Chính vì thế, làn sóng đầu tư của DN Nhật Bản sang Việt Nam không chỉ là DN lớn, mà lan sang các DN nhỏ và vừa. Các DN Nhật Bản cảm thấy tự tin khi đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Việt Nam trên cơ sở quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa hai nước.
Nguồn Văn phòng Chính phủ