Đầu tư để phát triển
Đồng chí Trần Minh Nam, Bí thư Thành ủy Phan Rang- Tháp Chàm, cho biết: Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố đạt trên 12.300 tỷ đồng; trong năm 2016 ước đạt 3.600 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 35%; còn lại là huy động từ các thành phần kinh tế. Cùng với việc thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ về phê duyệt đầu tư, cân đối nguồn vốn theo đúng quy định, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án; trong đó tập trung vào các công trình mang tính cấp bách, trọng điểm, có ý nghĩa an sinh xã hội cao.
Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được xem là chiến lược quan trọng, nhiệm vụ hàng đầu nhằm tạo bước đột phá, bệ phóng cho phát triển KT-XH của địa phương. Những năm qua, hàng loạt dự án cầu, đường với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng được xây dựng và đi vào hoạt động. Trước tiên phải kể đến các tuyến, như Quốc lộ 1, đoạn qua trung tâm thành phố (đường Lê Duẩn); tuyến tránh Quốc lộ 27A về hướng Lâm Đồng; tỉnh lộ 702, 703, 704... Gắn kết với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ là hệ thống các trục đường phố chính, tuyến đường nội thành được đầu tư xây mới, mở rộng, như: tuyến đường đôi phía Bắc vào thành phố, tuyến đường Nguyễn Văn Cừ-Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Chinh, Trần Phú, Hải Thượng Lãn Ông…; đặc biệt, công trình cầu An Đông có tổng kinh phí trên 1.300 tỷ đồng, nối hai bờ sông Dinh tại thôn Phú Thọ, phá thế chia cắt và kết nối thành phố với các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, tạo thành chuỗi liên kết du lịch trong tỉnh cũng như khu vực Nam Trung Bộ và là điểm nhấn cho tuyến đường ven biển Bình Tiên- Cà Ná, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Một góc Quảng trường 16 Tháng 4. Ảnh: LVH
Bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông, thành phố còn thực hiện tốt việc kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư, khu thương mại, nhà máy sản xuất, chế biến công nghiệp. Các dự án lớn như Khu đô thị Đông Bắc, Khu đô thị mới Bình Sơn- Ninh Chử, Siêu thị Vinmart…không những mở rộng không gian đô thị mà còn giúp thành phố hình thành những khu mua sắm sầm uất, thông thương hàng hóa, phát triển sản xuất, tạo bước đột phá cho ngành thương mại- dịch vụ, công nghiệp- xây dựng. Tổng nguồn vốn đầu tư hạ tầng công nghiệp- thương mại giai đoạn 2011-2015 lên đến trên 7.350 tỷ đồng. Nhiều công trình phúc lợi về y tế, giáo dục, các khu vui chơi giải trí, công viên, nhà ở… cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Hàng năm, thành phố còn đầu tư nhiều tỷ đồng cho công tác phát triển cây xanh, vệ sinh môi trường, hệ thống chiếu sáng… không chỉ tạo diện mao mới cho đô thị, mà còn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Thành phố đã “về đích” trở thành đô thị đạt chuẩn loại II theo đúng kế hoạch.
Vươn lên tầm cao mới
Nhiệm vụ trọng tâm của Tp.Phan Rang- Tháp Chàm trong giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục đầu tư xây dựng thành phố trở thành đô thị thương mại- dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại II. Phấn đấu đến năm 2020, tổng nguồn vốn huy động toàn xã hội cho đầu tư phát triển khoảng 20.000-22.000 tỷ đồng; trong đó vốn từ ngân sách chiếm khoảng 25%, còn lại là từ các thành phần kinh tế. Đồng chí Trần Minh Nam, Bí thư Thành ủy, cho biết: Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, bên cạnh phát huy cao độ nội lực, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh thông qua việc tiếp cận các chương trình, dự án, thành phố tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, thực hiện tốt chính sách tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp để thu hút mọi nguồn lực, tập trung phát triển các lĩnh vực mà thành phố có lợi thế. Ngoài ra, thành phố tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong việc giải quyết các vướng mắc thủ tục đầu tư, giải tỏa đền bù mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trên địa bàn.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng công nghiệp- thương mại, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, phục vụ đời sống của Nhân dân trước mắt, vừa đảm bảo yêu cầu phát triển lâu dài. Một số công trình, dự án trọng điểm nằm trong kế hoạch đầu tư trong giai đoạn này gồm: Dự án đường đôi vào thành phố đoạn phía Nam; Dự án cải tạo và mở rộng đường 21 Tháng 8; đường Trần Nhân Tông nối dài; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Đông- Bắc, đầu tư Khu đô thị Bình Sơn, khu đô thị Đông – Nam (trục D2 - D7), Đông – Nam 2. Tập trung khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất đai để đầu tư các khu dân cư tập trung như: khu dân cư Tháp Chàm (phường Đô Vinh), khu tái định cư Công an tỉnh, khu tái định cư khu chuyên gia Điện hạt nhân... Trong lĩnh vực công nghiệp- thương mại, thành phố ưu tiên kêu gọi đầu tư hệ thống siêu thị, Trung tâm Thương mại Tấn Tài, Trung tâm Thương mại Tháp Chàm; phối hợp với tỉnh mở rộng, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thành Hải, Cụm Công nghiệp Tháp Chàm nhằm tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, tạo động lực bứt phá cho ngành công nghiệp.
Bênh cạnh đó, thành phố cũng tập trung công tác trồng và bảo vệ cây xanh, vỉa hè, xây dựng các công trình công cộng, vườn hoa, cây cảnh, hệ thống ánh sáng, bảo đảm vệ sinh môi trường và trật tự, văn minh đô thị, tạo mỹ quan cho thành phố.
Tin rằng, với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân, thành phố sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là trung tâm chính trị- kinh tế- văn hóa của tỉnh.
Uyên Thu