Đầu tư đồng bộ hệ thống Trạm y tế xã, phường

(NTO) Là cơ sở y tế gần dân nhất, hệ thống Trạm y tế xã, phường đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động của các trạm y tế gặp nhiều khó khăn và chưa phát huy hết vai trò, hiệu quả.

Thiếu thốn cả nhân lực, vật lực

Nhiều năm qua, cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Phước Hữu (Ninh Phước) phải làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn. Được xây dựng từ năm 2003, gồm 8 phòng chức năng, đến nay đã xuống cấp nặng… Do diện tích chật hẹp nên trạm phải bố trí phòng tiêm, dược, đông y chung với một số phòng chức năng khác. Chị Lưu Thị Chiêm Vân, Trưởng trạm, chia sẻ: Trạm có đến 2 nữ hộ sinh và cũng đã bố trí phòng sản riêng, nhưng do cơ sở vật chất đã quá xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh, an toàn nên nhiều năm nay không thực hiện được kỹ thuật đỡ đẻ cho sản phụ, mà phải chuyển lên tuyến trên. Điều đáng nói là đến nay, trạm cũng chưa có bác sĩ luân phiên xuống khám, điều trị cho bệnh nhân; 8 cán bộ, nhân viên phải đảm nhận mọi công việc từ khám, điều trị bệnh, phát thuốc cho đến công tác dự phòng…

Còn đối với Trạm Y tế xã Ma Nới (Ninh Sơn) nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhu cầu khám, chữa bệnh rất lớn nhưng cũng chỉ có 6 nhân viên y tế, trong đó có 1 bác sĩ, một lúc phải đảm nhận công việc tại trạm và 2 phân trạm khác. Chị Trần Thị Kim Dung, Trưởng trạm, cho biết: Hằng ngày anh chị em phải thay phiên nhau trực ở các phân trạm, chính vì vậy, mỗi ngày tại trạm chỉ có 1 bác sĩ, 1 y sỹ hoặc nhân viên dược, chịu trách nhiệm khám, điều trị bệnh, phát thuốc cho hàng chục bệnh nhân. Nhiều ngày bệnh nhân đông dẫn đến quá tải. Ngoài ra, trạm còn thiếu một số phòng chức năng như: phòng khám, dược và phòng tiêm chủng…

 
Cho trẻ uống vitamin A tại Trạm Y tế phường Thanh Sơn.

Không chỉ đối với các trạm ở vùng sâu, vùng xa, nhiều trạm y tế trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cũng có tình trạng tương tự. Trạm Y tế phường Đông Hải được đưa vào sử dụng cách đây hơn 30 năm hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, tường tróc vữa, xuất hiện nhiều vết nứt, mái dột… Trạm lại chưa có bác sĩ nên Trung tâm Y tế thành phố phải cử bác sĩ luân phiên đến khám bệnh cho bà con 2 ngày/tuần.

Theo thống kê, tổng số nhân lực của mạng lưới trạm y tế toàn tỉnh là 457 cán bộ; 35/65 trạm có bác sĩ làm việc, trong đó chỉ có 26 trạm có biên chế là bác sĩ, còn lại là bác sĩ được Trung tâm Y tế huyện cắt cử luân phiên về làm việc. Tuy nhiên, do các trung tâm y tế cũng thiếu bác sĩ nên việc bố trí bác sĩ luân phiên về làm việc tại các trạm là hết sức khó khăn, tối đa là 2 buổi/tuần. Nhiều trạm cũng chưa được trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế như máy siêu âm, máy đo điện tim… Trong khi đó, một số trạm đã được trang bị các trang thiết bị này nhưng do không có bác sĩ, kỹ thuật viên nên chưa hoạt động, dẫn đến tình trạng lãng phí.

Cần có giải pháp đồng bộ

Do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị nên chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng hết nhu cầu của Nhân dân. Đơn cử như tại Trạm Y tế Đông Hải, nhiều người dân cho biết, do bác sĩ chỉ khám tại trạm 2 ngày/tuần vào thứ hai và thứ sáu, bà con lại có tâm lý muốn được bác sĩ khám nên mỗi lần đau ốm đều chờ đến ngày có bác sĩ mới đến trạm khám. Đó là đối với các bệnh thông thường chứ bệnh nặng thì đành phải đến Trung tâm Y tế thành phố, nhiều lúc lên thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, điều trị, dù biết làm như thế là vượt tuyến, không được hưởng BHYT. Ngoài ra, do sợ bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT nên dẫn đến tình trạng bác sĩ khống chế đơn thuốc; còn tại các trạm chưa có bác sĩ làm việc thì danh mục kỹ thuật, trang thiết bị, danh mục thuốc bị hạn chế nên ở các trạm này chỉ khám, điều trị một số bệnh thông thường, chất lượng thuốc không theo yêu cầu…, khiến nhiều bệnh nhân bức xúc.

Bên cạnh đó còn nhiều bất cập trong hoạt động của trạm y tế xã, phường như: Việc thực hiện chuyển tuyến theo danh mục kỹ thuật vẫn còn nhiều lúng túng; chưa chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, tham gia quản lý về hành nghề y, dược tư nhân, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

Để nâng cao chất lượng hệ thống Trạm y tế xã, phường cần có sự đầu tư đồng bộ cả về nhân lực, vật lực. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 phấn đấu có 70% trạm y tế có bác sĩ; 90% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, điều này có nghĩa tỉnh phải thực hiện các giải pháp để bổ sung 26 biên chế bác sĩ cho các trạm; thêm 24 trạm không có biên chế bác sĩ được tuyến trên cử bác sĩ về làm việc. Ngoài ra, hiện hơn 70% trạm y tế xã, phường hiện cần được xây mới và nâng cấp.

Trao đổi về vấn đề này, Bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Nguồn ngân sách phân bổ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các trạm rất hạn hẹp. Vì vậy, Sở Y tế tiếp tục tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa, tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân để có thêm nguồn lực xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc cho các trạm; tích cực tham mưu, triển khai thực hiện tốt chính sách đào tạo, thu hút nhân tài, Đề án 1816 bổ sung bác sĩ có tay nghề cao về làm việc tại các trạm y tế, nhất là các trạm ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng rất cần sự phối hợp tích cực, hỗ trợ từ các ngành chức năng, đặc biệt đối với BHXH tỉnh có giải pháp quản lý tốt công tác BHYT và giải quyết vấn đề nợ BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ sở y tế nói chung, trạm y tế nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.