Phương pháp trình bày miệng
Đây là phương pháp truyền thống, vẫn giữ vai trò chủ đao trong việc giảng dạy của GV và học tập của HS. Phương pháp này không chỉ giúp HS khôi phục hình ảnh về nội dung bài học đang nghiên cứu mà còn giúp các em nhận thức sâu sắc kiến thức, trình bày những suy nghĩ, hiểu biết trong nghiên cứu tìm tòi.
GV và HS có thể vận dụng nhiều cách trình bày miệng như tường thuật, miêu tả, kể chuyện, giải thích,… GV phải căn cứ vào đặc trưng môn học để sử dụng cho phù hợp. Song khi sử dụng các cách trình bày miệng phải đảm bảo yêu cầu phát huy tính tính cực, chủ động của HS.
Phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan
Dạy học lịch sử với di sản có thể sử dụng các loại đồ dùng trực quan như:
Hiện vật: Bao gồm những di tích văn hóa, di tích lịch sử và cách mạng, những di vật khảo cổ hoặc di vật thuộc các thời đại lịch sử. Đây là những tài liệu gốc có giá trị, có ý nghĩa to lớn về nhận thức, giáo dục và phát triển HS. Song loại đồ dùng trực quan này không có sẵn trong trường phổ thông mà được giữ gìn trong bảo tàng, hoặc ở nơi có di tích và không còn được nguyên vẹn.
Vì vậy, khi sử dụng các hiện vật trong dạy học, cần phát huy trí tưởng tượng tái tạo, tư duy lịch sử để HS hình dung đúng đời sống hiện thực của quá khứ. Trong điều kiện thuận lợi, GV nên tổ chức dạy học trong các viện bảo tàng ở Trung ương, địa phương hay ở ngay các địa điểm có di tích, tức là tiến hành bài học ngay tại di sản.
Đồ dùng trực quan tạo hình: Bao gồm mô hình, sa bàn và các loại đồ phục chế khác, hình vẽ, phim, tranh ảnh… GV có thể khai thác, sưu tầm, chụp ảnh từ các di sản đem về trường, xây dựng để tiến hành bài học trên lớp hay tại di sản.
Đồ dùng trực quan quy ước: Bao gồm các loại bản đồ, đồ thị, sơ đồ, bảng biểu… GV có thể khai thác, sưu tầm từ bảo tàng, di tích hoặc dựa vào tài liệu viết về di sản để xây dựng, phục vụ các bài học lịch sử tiến hành trên lớp hay tại di sản.
Khi sử dụng những đồ dùng trực quan trên, GV phải căn cứ vào đặc trưng môn học, đối tượng để có phương pháp sử dụng phù hợp, phát huy tính tích cực, chủ động của HS trong quá trình quan sát kết hợp phát biểu, tự chiếm lĩnh kiến thức.
Sử dụng trao đổi, đàm thoại giữa thầy với trò, trò với trò dưới sự hướng dẫn của thầy để đạt được mục đích học tập đề ra. Ví dụ khi sử dụng tranh, ảnh về di sản trong bài học trên lớp GV cần hướng dẫn HS quan sát, nêu câu hỏi gợi mở để HS tìm hiểu nội dung bài học thể hiện qua tranh ảnh, trao đổi thảo luận, trình bày ý kiến trước lớp. Cuối cùng GV đánh giá, chốt lại kiến thức trước lớp.
Phương pháp dạy học nêu vấn đề
Bản chất phương pháp này là tạo ra các tình huống có vấn đề và điều khiển người học giải quyết những vấn đề học tập đó. Nhờ đó HS lĩnh hội vững chắc kiến thức mới, kĩ năng mới hoặc thái độ tích cực. Bài học sẽ có ý nghĩa đặc biệt đối với việc hình thành kiến thức trên cơ sở hoạt động tư duy độc lập của HS.
Khi nêu vấn đề phải đảm bảo tính khoa học, tính Đảng, ngôn ngữ trong sáng…, đặt HS trước sự giải quyết một điều mới, điều chưa biết, đồng thời hướng dẫn học sịnh độc lập tìm ra vấn đề trên cơ sở phần trình bày của GV và những kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, vốn sống thực tế của các em.
Tình huống có vấn đề thường là: Tình huống nghịch lí (tình huống xuất hiện đứng trước một sự lựa chọn rất khó khăn, giữa hai hay nhiều phương án giải quyết); tình huống bác bỏ (tình huống có vấn đề đòi hỏi bác bỏ một điểm kết luận sai lầm); tình huống đòi hỏi giải thích tại sao…
Các tình huống này đòi hỏi người học vận dụng kiến thức và kĩ năng vốn có để giải quyết vấn đề đặt ra. Người học phải tìm ra được các mối liên hệ đặc biệt là mối quan hệ nhân quả đó.
Các bài tập nêu vấn đề là bài tập mà việc độc lập giải quyết nó sẽ dẫn đến chỗ tạo ra sự hiểu biết mới bằng cách giải quyết mới mà trước đó HS chưa biết. Chức năng quan trọng của bài tập nêu vấn đè là rèn luyện năng lực tích cực, độc lập suy nghĩ trong giải quyết vấn đề nhằm phát triển tư duy cho Hs trong quá trình học tập.
Phương pháp dạy học theo dự án
HS thực hiện một nhiệm vụ học tập phức tạp, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, thực tiễn. Nhiệm vụ học tập này được HS thực hiện với tính tự lực cao trong suốt quá trình học tập từ xác định mục đích, lập kế hoạch đến việc thực hiện dự án, thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả…làm việc nhóm là dạng tổ chức hoạt động chủ yếu cả dự án.
Dạy học dự án góp phần gắn lí thuyết với thực tiễn, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội, kích thích động cơ và hứng thú học tập của HS, phát huy tính tính cực, tính trách nhiệm, sáng tạo, bền bỉ, kiên nhẫn trong công việc của HS.
Trình tự tổ chức dạy học theo dự án thường là:
Lựa chọn đề tài và xác định mục đích của dự án. Đây là việc làm rất quan trọng, GV và HS phải cùng nhau đề xuất, xác định đề tài và mục đích của dự án.
Xây dựng kế hoạch thực hiện. Dưới sự hướng dẫn của GV, HS xây dựng kế hoạch thực hiện dự án, trong đó cần xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công việc của nhóm.
Thực hiện dự án: Các thành viên thực hiện kế hoạch đề ra, trong đó HS cần kết hợp các hoạt động trí tuệ với hoạt động thực tiễn, thực hành như thu thập thông tin qua báo chí, Internet, thư viện, thực nghiệm, quan sát; xử lí thông tin, thảo luận trong nhóm, trao đổi, xin ý kiến GV…
Thu thập kết quả và công bố sản phẩm: HS tập hợp tất cả kết quả thành một sản phẩm cuối cùng. Kết quả dự án có thể trình bày bằng nhiều hình thức khác nhau như báo cáo, thu hoạch, đóng kịch…
Đánh giá dự án: GV và HS đánh giá quá trình thực hiện và kết quả thu được, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm.
Sử dụng CNTT trong dạy học
Bên cạnh các đồ dùng trực quan truyền thống để dạy học Lịch sử, GV cần sử dụng máy vi tính với các phần mềm thông dụng mà phổ biến hiện nay là Power Point. Ứng dụng CNTT trong dạy học lịch sử nói chung và dạy học với di sản nói riêng nhằm tạo hứng thú học tập và tích cực hóa các hoạt động của HS.
Sử dụng di sản trong dạy học lịch sử cần thiết ứng dụng CNTT. GV có thể khai thác các tranh ảnh, hiện vật, dấu tích… của di sản xây dựng thành những nội dung phục vụ các bài học trên lớp hay hoạt động ngoại khóa.
Tuy nhiên cần chú ý: Sử dụng CNTT vào dạy học lịch sử và dạy học lịch sử với di sản phải đảm bảo mục tiêu giáo dục, mục tiêu môn học, mục tiêu bài học. Đảm bảo tính trực quan trong dạy học, có tác dụng gây hứng thú học tập cho HS một cách tích cực
Không lạm dụng việc sử dụng CNTT, biến giờ học thành giờ trình diễn hình ảnh và HS chỉ có vai trò khám thị một cách say mê song bị động và không có tác dụng nhiều trong việc tiếp thu kiến thức.
Nguồn: Giaoducthoidai.vn