Ảnh minh họa. Nguồn: VA
Cụ thể, Bộ GD&ĐT cho biết, việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh được thực hiện như năm 2016, do Sở GD&ĐT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.
Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đây là giải pháp để góp phần khắc phục tình trạng học lệch.
Đề cập đến việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ 2017 như thế nào? Bộ GD&ĐT cho hay, các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải sớm công bố phương thức tuyển sinh của mình.
Phương thức tuyển sinh cần chỉ rõ: sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển hay chỉ để sơ tuyển và có thêm hình thức đánh giá năng lực chuyên biệt; tổ hợp các môn thi/bài thi để xét tuyển vào ngành/khối ngành, hệ số đối với môn thi/bài thi (nếu có); các điều kiện xét tuyển khác... Thí sinh theo dõi trang tuyển sinh của các trường để nắm thông tin, định hướng ôn tập và nộp đăng ký xét tuyển vào các ngành nghề yêu thích.
Đối với các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, khi điều chỉnh quy chế tuyển sinh sắp tới Bộ sẽ có quy định yêu cầu các trường dành chỉ tiêu thích hợp để xét tuyển đảm bảo quyền lợi của thí sinh đã ôn tập theo khối thi từ trước. Năm 2015, các trường đã dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống; năm 2016 đã dành ít nhất 50% và dự kiến năm 2017 các trường sẽ dành ít nhất 25%.
Tổ hợp các môn thi của các khối thi truyền thống được xác định như những năm trước đây. Các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ không có gì thay đổi. Các môn còn lại: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí sẽ lấy điểm thành phần tương ứng của các bài thi tổ hợp.
Cũng như năm 2015 và năm 2016, ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, các trường có thể quy định các tổ hợp xét tuyển mới, bao gồm cả bài thi KHTN hay bài thi KHXH, để xét tuyển vào các ngành nghề phù hợp.
Năm 2017, để đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh, dự kiến thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành của một hoặc nhiều trường và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Điều này làm phát sinh hiện tượng “thí sinh ảo”. Để khắc phục tình trạng này, Bộ đã và đang tích cực chuẩn bị thực hiện đồng bộ các giải pháp cả về phương diện quản lý và kỹ thuật.
Về mặt quản lý, Bộ sẽ rà soát, đánh giá năng lực đào tạo của các trường ĐH, CĐ; trên cơ sở đó, yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu sát với nhu cầu của thị trường lao động, năng lực đào tạo thực tế và khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... để tránh hiện tượng xác định “chỉ tiêu ảo” trong tuyển sinh.
Về mặt kỹ thuật, Bộ GD&ĐT tiếp tục chuẩn bị các điều kiện ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tuyển sinh nhằm giải quyết tình trạng “thí sinh ảo”. Trong hai năm qua, Bộ GDĐT đã chuẩn bị phần mềm quản lý tuyển sinh có thể lọc ảo và đã tiến hành chạy thử nghiệm trên cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển của các năm 2015 và 2016. Qua thử nghiệm cho thấy, phần mềm vận hành ổn định có độ tin cậy cao, có thể sử dụng hiệu quả trong năm 2017. Phần mềm sẽ xác định danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này sẽ được gửi đến các trường để hỗ trợ cho các trường trong xử lý vấn đề thí sinh ảo. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường (đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh) để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam