Thuận Bắc: Tập trung vận động học sinh ra lớp

(NTO) Năm học mới 2016-2017, huyện Thuận Bắc có 8.102 học sinh (HS), biên chế thành 325 lớp. Trong đó, bậc THCS có 2.223 HS/63 lớp; Tiểu học có 4.159 HS/185 lớp và bậc Mầm non có 1.720 cháu/72 lớp. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là dù chương trình học đã qua gần 2 tuần nhưng hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn khoảng 230 HS chưa đến lớp.

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho biết: Tính đến thời điểm này, tỷ lệ HS ra lớp ở cấp Mẫu giáo đạt 104% và Tiểu học đạt 99,7%, riêng cấp THCS mới chỉ có 1.985 HS/2.223 HS đến lớp, đạt 89,3%. Phòng đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, đồng thời chỉ đạo các trường tổ chức nhiều đợt vận động HS ra lớp, nhưng đến nay tình trạng nhiều HS chưa chịu đến trường vẫn còn diễn ra.

 
Học sinh lớp 7, Trường THCS Hà Huy Tập (xã Bắc Sơn) học môn Sinh học.

Nằm trên địa bàn trung tâm huyện, nhưng năm nào Trường THCS Bùi Thị Xuân cũng rơi vào tình trạng thiếu HS trong những ngày đầu của năm học mới. Cô giáo Vũ Thúy Hồi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Chỉ tiêu trong năm học này, trường có 474 HS, biên chế 13 lớp. Mặc dù đã vào học chính thức được 2 tuần nhưng nhiều HS vẫn chưa đến lớp. Để hạn chế tình trạng HS bỏ học, trường đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức 6 đêm đi tuyên truyền, vận động; giáo viên chủ nhiệm hầu như ngày nào cũng đến tận nhà vận động các em đi học. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 40 HS chưa đến trường.

Không riêng gì Trường THCS Bùi Thị Xuân, tình trạng HS không ra lớp cũng đang là vấn đề quan tâm đối với Trường THCS Hà Huy Tập (xã Bắc Sơn). Năm học này, trường có 683 HS, biên chế 18 lớp. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 136 HS vắng học. Nhà trường đã lập danh sách gửi cấp ủy, chính quyền và Ban Quản lý các thôn để cùng phối hợp; thành lập các tổ vận động về tận các thôn trực tiếp gặp gỡ HS và phụ huynh để thuyết phục. Cô giáo Nguyễn Thị Bảy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Nguyên nhân dẫn đến thực trạng HS không đến lớp là do các em vốn đã quen với trường lớp cũ hồi học Tiểu học, khi chuyển lên THCS các em chưa kịp làm quen với môi trường mới. Mặt khác, phần lớn là HS ở xa trường, không có phương tiện đi học. Một số HS thiếu động lực học tập, nên bỏ học, ở nhà theo cha mẹ lên rẫy hoặc đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, trong số 230 HS còn chưa đến lớp như đã nêu trên chủ yếu rơi vào cấp THCS, cụ thể: Khối lớp 6 có 100 HS; khối lớp 7 có 54 HS; khối lớp 8 có 61 HS và khối lớp 9 có 22 HS. Để sớm vận động các em ra lớp, hạn chế tình trạng HS bỏ học trong năm học mới, theo ông Nguyễn Thế Quang, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường phối hợp với UBND xã trên địa bàn tổ chức các cuộc họp để tìm hướng giải quyết hiệu quả. Trong đó, giải pháp chủ yếu vẫn là phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, chính quyền và gia đình tuyên truyền, vận động HS ra lớp. Tiếp tục rà soát, lập danh sách những HS bỏ học gửi về các thôn, thông báo cho gia đình, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt hoàn cảnh, nguyên nhân của từng gia đình, từng HS để có hướng hỗ trợ. Chỉ đạo các trường phân công cán bộ, giáo viên phối hợp với cấp ủy Đảng, Ban Quản lý thôn, các đoàn thể địa phương đến tận nhà gặp gỡ phụ huynh, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của HS và gia đình để tìm cách vận động, thuyết phục các em ra lớp. Đồng thời, tham mưu cho Hội Khuyến học huyện trích 200 triệu đồng để giúp đỡ, hỗ trợ cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Đối với những HS đã vận động ra lớp, các trường phân công giáo viên phụ đạo kiến thức cho các em, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em học tập; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ để tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn, thu hút các em đến trường học tập.