Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao chất lượng dân số

(NTO) Xác định công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tiến tới xã hội hóa công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng tới mục tiêu thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số...

Đa dạng hoạt động truyền thông

Ông Lưu Ngọc Lai, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Trước đây, truyền thông dân số chủ yếu hướng vào lĩnh vực KHHGĐ nhằm hạ thấp tỷ lệ phát triển dân số, quy mô gia đình nhỏ có từ 1-2 con. Hiện nay, truyền thông dân số có thêm nhiệm vụ mới và quan trọng là nâng cao chất lượng dân số. Trên cơ sở đó, thời gian gần đây, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tăng cường nhiều hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về chất lượng dân số, chất lượng sống cho người dân. Trong đó, hiệu quả nhất là hình thức truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, thông qua mạng lưới cộng tác viên (CTV) dân số và cán bộ y tế cơ sở với những nội dung, hình thức, thông điệp phù hợp với các nhóm đối tượng, các vùng. Chị Phan Thị Nguyệt Minh, cán bộ chuyên trách dân số phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), cho biết: Với phương châm “Củng cố từ gốc”, tất cả những vướng mắc đều được đội ngũ CTV nắm bắt kịp thời, giải quyết nhanh gọn. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” là cách mà đội ngũ CTV áp dụng. Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông nên các mô hình, đề án về kiểm soát dân số các vùng biển, ven biển... đang phát huy hiệu quả.

 
Cộng tác viên dân số thôn Tri Thủy 1 (xã Tri Hải, Ninh Hải) tư vấn chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho phụ nữ.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, trong 8 tháng năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức trên 200 buổi truyền thông lồng ghép tại các hội nghị, cuộc họp thôn, tổ dân phố thu hút trên 4.000 lượt người tham gia; đã tổ chức 3 đội lưu động y tế DS-KHHGĐ truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em/KHHGĐ tại 19/19 xã; 20 buổi truyền thông nhóm cho vị thành niên, thanh niên trong các trường học và các địa phương về tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, kiến thức CSSKSS-KHHGĐ cho 250 đối tượng vị thành niên; xây dựng 5 chương trình phát thanh chuyên đề về công tác dân số, KHHGĐ, viết trên 100 tin, bài về các hoạt động dân số, cắt 90 băng-rôn truyền thông về dân số tại 65 xã, phường; vận động được trên 5.000 cặp vợ chồng tham gia sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Ngoài ra, các hoạt động truyền thông dân số trong thanh niên cũng được chú trọng. Tính đến nay, trong hệ thống tổ chức Đoàn từ tỉnh đến cơ sở có trên 50 cán bộ đoàn không chuyên trách làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt chất lượng. Việc xây dựng và phát triển các mô hình tuyên truyền, giáo dục về DS-KHHGĐ luôn được quan tâm. Nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như Câu lạc bộ Tiền hôn nhân, sống khỏe, kỹ năng sống, gia đình trẻ hạnh phúc... tạo sân chơi bổ ích, tập hợp được đông đảo đoàn viên-thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của thanh-thiếu nhi về công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, trang bị những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản, tránh xa các tệ nạn xã hội...

Vẫn còn hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, công tác truyền thông nâng cao nhận thức về DS-KHHGĐ, thay đổi hành vi cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn một số hạn chế. Một số đơn vị chưa tham mưu kịp thời cho UBND các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo; kinh phí địa phương hỗ trợ cho công tác DS-KHHGĐ còn hạn chế nên hoạt động truyền thông chưa có chiều sâu. Ngoài ra, các hoạt động truyền thông chưa có tính sáng tạo và đổi mới về nội dung lẫn hình thức, chưa xây dựng được chương trình phối hợp về công tác DS-KHHGĐ với các ban, ngành, đoàn thể...

Theo ông Lưu Ngọc Lai, thời gian tới, chi cục sẽ đẩy mạnh và tăng cường công tác truyền thông, vận động, chuyển đổi hành vi, trong đó tập trung cho vùng đồng bào DTTS; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt về giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên về kiến thức pháp luật cũng như hệ lụy của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Đặc biệt, truyền thông về thực trạng giới tính khi sinh; thông tin tình hình dân số trong độ tuổi lao động, di biến động dân cư... nhằm giúp lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng. Mặt khác, phối hợp với Trung tâm sàng lọc-Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) đưa vào triển khai một số kỹ thuật mới về sàng lọc trước sinh, hỗ trợ mở rộng các cơ sở sàng lọc ở tuyến dưới đủ điều kiện; đảm bảo 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đáp ứng đầy đủ nhu cầu tư vấn và khám sàng lọc trước sinh và sau sinh. Mở rộng hoạt động mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”; thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và các dịch vụ sức khỏe sinh sản-KHHGĐ phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng, địa phương…