Nhà trọ vào mùa
Theo quy định khu vực tuyển sinh vào lớp 10 THPT, tỉnh ta có 5 trường THPT trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm tuyển học sinh toàn tỉnh và một số xã xa của các huyện Thuận Nam, Ninh Phước. Ngoài ra, số học sinh từ các huyện về thành phố học nghề cũng khá đông, vì vậy bước vào năm học mới số lượng học sinh ở các xã, vùng nông thôn lên thành phố trọ học khá cao.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số các khu nhà trọ học sinh trên đều nằm xung quanh các trường học. Tùy theo diện tích và chất lượng, mỗi phòng có giá dao động từ 5 trăm ngàn đến 1 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, các phòng có gác lửng, vệ sinh khép kín, dịch vụ wifi thì giá thường cao hơn (từ 800 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước). Hầu hết các em đến trọ đều là học sinh thuộc diện gia đình làm nông, kinh tế khó khăn. Để tiết kiệm chi phí, đa số học sinh đều chọn giải pháp “ở ghép”. Căn phòng trọ của em Trần Thị Hằng trên đường Trần Phú rộng khoảng 9m2, nhưng là nơi sống, sinh hoạt và học tập của 4 học sinh nữ. Ở chật chội một chút nhưng việc ở ghép nhiều người đã giúp các em tiết kiệm tiền để học thêm, mua đồ dùng học tập. Việc ở ghép còn giúp các em thuận lợi hơn trong việc đi chợ, nấu ăn hằng ngày, nhất là trong thời buổi giá tất cả các mặt hàng đều tăng như hiện nay. Hầu hết các em ở chung với nhau đều là người cùng làng, cùng xã, người học khóa trước giới thiệu, giúp đỡ người khóa sau. Đây cũng được xem là cách tìm nhà trọ nhanh nhất và cũng là điều kiện thuận lợi để các em giúp đỡ, bảo ban nhau học tập.
Nỗi niềm ở trọ
Ngay khi bước chân vào lớp 10, Trường THPT Nguyễn Trãi, em Nguyễn Trần Kim Thư (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn) đã khăn gói xuống Tp.Phan Rang-Tháp Chàm ở trọ. Kim Thư cho biết: “Khi còn ở nhà, mọi thứ đều có cha mẹ lo lắng, nhưng khi sống tự lập, em phải tự lo tất cả từ việc ăn uống đến giặt giũ, mua sắm. Đối với những học sinh lần đầu tiên sống xa gia đình như em, lúc đầu, ai cũng cảm thấy buồn, nhớ nhà vì chưa có bạn, không có người quen và cũng không có phương tiện để giải trí”. Không khác những sinh viên xa nhà là mấy, các em phải tự lập từ việc sinh hoạt đến học tập nhưng nhờ vậy các em tự ý thức hơn trong việc học. “Nhờ tự lập, tự chi tiêu nên em biết quý giá trị đồng tiền của bố mẹ đầu tư cho mình học tập. Vì vậy, em và các bạn cùng phòng luôn bảo ban nhau cố gắng học tập tốt”- Thảo Nguyên, học sinh Trường THPT Chu Văn An chia sẻ.
Bên cạnh những khó khăn về tài chính, nhiều học sinh ở trọ cũng gặp không ít rắc rối trong sinh hoạt hằng ngày. Em Nguyễn Văn Hòa (xã Phước Minh, Thuận Nam) cho biết: “Khu em ở có rất nhiều người thuộc các thành phần thuê trọ nên giờ giấc sinh hoạt cũng có phần khác nhau. Mỗi ngày, em phải học bài lúc đêm khuya hoặc sáng sớm vì những khoảng thời gian khác trong ngày thường rất ồn ào”. Không những vậy, ở những khu trọ không có nhà chủ, vấn đề an ninh, trộm cắp vặt còn diễn ra. Bên cạnh đó, việc quản lý học sinh ở trọ còn lỏng lẻo đã kéo theo tình trạng nhiều em tự do vui chơi mà chểnh mảng chuyện học hành.
Phải sống tự lập xa nhà đã là một thách thức đối với học sinh khi các em đang tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới”. Nhằm tạo môi trường sống tốt, giúp các em yên tâm học tập, thiết nghĩ chính quyền địa phương, các chủ nhà trọ, gia đình và nhà trường nên có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
Mỹ Dung