Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Pháp đến thăm một cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Tham dự buổi nói chuyện của Tổng thống Francois Hollande có Ban Giám đốc, đông đảo cán bộ và sinh viên ĐHQGHN và các cựu sinh viên của ĐH Bách khoa Paris.
Chuyến thăm lần này của Tổng thống Francois Hollande tới ĐHQGHN có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ và mở ra nhiều triển vọng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo giữa hai nước. Đồng thời, sự kiện này góp phần khẳng định vai trò đầu tàu, nòng cốt của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục Việt Nam và nâng cao vị thế của đại học Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu tại ĐHQGHN. Ảnh: VGP/Quốc Toản
Trong bài phát biểu dài khoảng 25 phút, Tổng thống Hollande đã đề cập tới các lĩnh vực hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.
Về kinh tế, Tổng thống Hollande khẳng định Pháp sẽ tiếp tục trợ giúp Việt Nam thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) như những năm qua để thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế mới, ngoài các lĩnh vực sản xuất truyền thống như gạo.
Đồng thời, Pháp sẽ sát cánh với Việt Nam đẩy mạnh các công nghệ tiên tiến, quan tâm tới đào tạo và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển công nghệ mới.
Về giáo dục, ông Hollande nhận định, đây là một phần quan trọng của quan hệ Việt-Pháp. Theo Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, năm 2015, có khoảng 6.500 sinh viên Việt Nam học tại Pháp và gần 1.300 sinh viên Việt Nam sang Pháp mỗi năm để tiếp tục chương trình đại học tại Pháp.
“Hiện nay, có 7.000 sinh viên Việt Nam tại Pháp, nhưng con số này còn chưa tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp. Pháp muốn thúc đẩy đào tạo liên kết giữa các trường đại học hai nước, sẵn sàng tạo điều kiện để ngày càng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam học tập tại các trường của Pháp”. Và để làm được điều đó, ông Hollande cho rằng cần mở rộng việc dạy và học tiếng Pháp tại Việt Nam.
Về văn hóa, Pháp cũng sẽ mở chi nhánh của Viện Văn hóa Pháp tại TPHCM, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực sách, phim ảnh để hai bên hiểu biết hơn về văn hóa của nhau. Tổng thống Hollande nói rằng, Việt Nam là thành viên rất năng động trong khối Pháp ngữ và Pháp mong rằng ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam học tiếng Pháp hơn nữa, tạo cầu nối để giúp mọi người sống trong một thế giới hội nhập.
Bày tỏ sự vui mừng và vinh dự khi được đón tiếp Tổng thống Pháp đến thăm ĐHQGHN, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho biết, ĐHQGHN vinh dự và tự hào được kế thừa những tinh hoa từ truyền thống học thuật của Đại học Đông Dương - một trung tâm giáo dục đại học theo mô hình giáo dục phương Tây hiện đại đầu tiên trên bán đảo Đông Dương.
Giám đốc Nguyễn Kim Sơn khẳng định ĐHQGHN sẽ tích cực phát triển hơn nữa các hoạt động hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các đại học Pháp, qua đó không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học giữa Việt Nam và Pháp mà còn làm cầu nối văn hóa, giáo dục, khoa học Á-Âu.
Cũng nhân dịp này, ĐHQGHN và ĐH Bách Khoa Paris đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với sự hiện diện của ông Yves Demay, Giám đốc ĐH Bách khoa Paris.
Một số chương trình hợp tác của ĐHQGHN với các đối tác giáo dục Pháp:Trong giai đoạn 2006-2014, Trung tâm ĐH Pháp tại Hà Nội (PUF Hà Nội) đã triển khai 8 chương trình đào tạo của Pháp tại Việt Nam, 509 học viên đã được cấp bằng. Từ 23/1/2015, PUF Hà Nội được đổi tên thành Trung tâm Quản lý Đào tạo và Bồi dưỡng, trực thuộc Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN.
Tháng 7/2014, Chương trình Thạc sĩ Công nghệ thông tin của Viện Quốc tế Pháp ngữ được Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF). Đây là chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp đầu tiên trên thế giới được cấp chứng nhận chương trình đào tạo quốc tế đạt chuẩn của AUF.
Các đơn vị thành viên của ĐHQGHN đã và đang triển khai hiệu quả nhiều hoạt động hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi giảng viên, sinh viên với các đối tác Pháp. Cụ thể: ĐH Khoa học Tự nhiên hợp tác với ĐH Nam Toulon đào tạo cử nhân hóa học và thạc sĩ vật liệu tiên tiến và môi trường, hợp tác với ĐH Tổng hợp Bordeaux đào tạo thạc sĩ vật lý hạt nhân và ứng dụng; ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn hợp tác với ĐH Toulouse Jean Jaurès đào tạo cử nhân tâm lý học lâm sàng; Khoa Luật hợp tác với ĐH Khoa học xã hội Toulouse I, ĐH Jean Moulin Lyon 3 và Montesquieu Bordeaux 4 đào tạo thạc sĩ luật hợp tác kinh tế và kinh doanh quốc tế; Viện Quốc tế Pháp ngữ hợp tác với ĐH Claude Bernard de Lyon đào tạo thạc sĩ về công nghệ thông tin “Truyền dữ liệu và mạng máy tính” và hợp tác với ĐH La Rochelle đào tạo thạc sĩ về công nghệ thông tin “Hệ thống thông minh và đa phương tiện”…
Nguồn www.chinhphu.vn