Số lượng giáo viên THCS được tập huấn mô hình VNEN và thời gian tập huấn còn ít nên giáo viên chưa nắm kỹ lưỡng, cặn kẽ, thấu đáo vấn đề. Do đó trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng, vướng mắc, rất khó chia sẻ, vừa làm, vừa nghiên cứu thêm, vừa tự rút kinh nghiệm.
Nhiều HS vẫn rất thụ động, làm việc riêng, chờ đợi kết quả từ những bạn khá giỏi trong nhóm, không tích cực tự học, không biết cách tìm hiểu, khám phá nội dung bài học. Do đó, sự phân hóa cao giữa HS giỏi với HS yếu kém rất lớn. Sự khác nhau giữa cấp Tiểu học và THCS là đội ngũ giáo viên (GV) giảng dạy cấp THCS gồm nhiều GV, nên HS còn bỡ ngỡ khi tiếp xúc với thầy, cô giáo giảng dạy. Một số em chưa mạnh dạn trong sinh hoạt tập thể, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Việc chia lớp ra thành nhiều nhóm, duy trì nhóm theo suốt cả năm học sẽ có những vấn đề không hợp lý về học tập và sức khỏe.
Giờ học theo mô hình VNEN của cô và trò Trường TH Mỹ Nghiệp (Ninh Phước). Ảnh:P.L
Sách “Hướng dẫn học” được thiết kế theo kiểu 3 trong 1, nghĩa là sách dùng cho HS, GV và phụ huynh. Không có sách hướng dẫn GV dạy học nên các câu hỏi, yêu cầu ở các hoạt động của bài học, GV gặp khó khăn khi phải tự nghiên cứu, tìm hiểu.
Mô hình này không kiểm tra định kì, không kiểm tra thường xuyên, chỉ lấy điểm thi học kỳ nên không thể hiện rõ quá trình diễn biến kết quả đánh giá năng lực của HS, do đó một số em thờ ơ và chỉ đến kỳ thi mới tập trung học.
Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía GV về nhận thức cũng như trong quá trình thực hiện. Một số GV phó thác cho HS tự học, tự tìm hiểu bài học. Giáo viên chưa xác định mục tiêu bài học một cách chi tiết, cụ thể; không soạn giáo án, kịch bản dạy học. Trong khi HS thảo luận, tự tìm hiểu bài thì GV thiếu sự giám sát, quản lý, chưa hỗ trợ kịp thời; chưa chốt kiến thức sau mỗi hoạt động; chưa kết nối được các hoạt động; chưa đánh giá HS học được gì sau mỗi bài học.
Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp sau:
Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhiều hơn nữa về mô hình này (nhiều lớp, nhiều giáo viên tham gia).
Các trường dạy học theo mô hình này theo định kỳ từ 1-2 tháng nên có tiết thao giảng, họp trao đổi về chuyên môn để học tập những điều hay, rút kinh nghiệm từ những hạn chế.
Việc tổ chức lớp học chia thành nhiều nhóm phải linh hoạt. Định kỳ hàng tháng phải thành lập lại nhóm tạo sự tương tác cao hơn giữa các HS trong quá trình học tập. Các thành viên trong nhóm phải thay đổi chỗ ngồi thường xuyên theo quy luật trên-dưới, trái-phải.
Vì không có sách “Hướng dẫn dạy học” nên GV càng phải soạn giáo án để chủ động trong quá trình dạy học. Giáo án càng chi tiết, càng dự liệu được nhiều tình huống có thể xảy ra.
Hoạt động học tập của HS diễn ra chủ yếu bằng hình thức tự học dưới sự hướng dẫn của GV và dưới sự quản lý của Hội đồng tự quản: Cá nhân tự học, tự học theo cặp và tự học theo nhóm. Trong đó, việc HS tự học theo nhóm là vấn đề quan trọng.
Để thực hiện tốt hình thức dạy học theo nhóm, GV cần phải có nhiều kỹ năng như: Kỹ năng chia nhóm, kỹ năng giao nhiệm vụ, tổ chức cho HS làm việc trong nhóm, quan sát, tổ chức cho HS trình bày kết quả học tập, đánh giá kết quả học tập đối chiếu với mục tiêu cụ thể của bài học, chốt kiến thức, kỹ năng trọng tâm và kỹ năng phản hồi.
Dạy học theo mô hình VNEN, GV phải đóng vai trò quyết định cho sự thành công của quá trình dạy học ấy. GV phải đầu tư rất nhiều về thời gian, công sức và trí tuệ, nên lãnh đạo các trường phải tạo điều kiện tối đa, ưu tiên giảm tham gia một số hoạt động để GV toàn tâm, toàn ý thử nghiệm mô hình mới này.
ThS. Đặng Quang Sơn
GV Trường CĐSP Ninh Thuận