Hợp tác xã Kinh doanh Dịch vụ tổng hợp Hoài Trung: Phát huy nội lực, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

(NTO) Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh Dịch vụ tổng hợp Hoài Trung (xã Phước Thái, Ninh Phước) được thành lập từ năm 1982. Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn phát triển với những thăng trầm, nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong hoạt động đã đưa HTX đứng vững trong cơ chế thị trường, làm ăn có hiệu quả, tạo chỗ dựa vững chắc cho các thành viên.

Trước đây, HTX vẫn hoạt động theo kiểu cũ, công nợ của xã viên rất lớn, lên tới 1,7 tỷ đồng, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX gặp rất nhiều khó khăn. Từ tháng 8-2014, HTX thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Từ phân tích những thuận lợi, thách thức trước tình hình mới, Hội đồng Quản trị HTX đã họp bàn, tổ chức lại bộ máy nhân sự, điều chỉnh một số quy chế hoạt động… với quyết tâm tìm hướng đi mới; tập trung khắc phục những điểm yếu, đổi mới phương thức quản lý và điều hành hướng tới mục tiêu nâng cao hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp và nguyện vọng của các thành viên.

 
Thành viên HTX chăm sóc lúa áp dụng mô hình “1 phải 5 giảm”.

Xác định cây lúa là cây trồng chủ lực ở địa phương, sau khi thực hiện chuyển đổi mô hình, ngoài việc đồng bộ cơ giới hóa các khâu dịch vụ như: làm đất, gieo sạ, thủy lợi nội đồng, thu hoạch… cho gần 280 ha diện tích trồng lúa của các thành viên và bà con hai thôn Hoài Trung, Hoài Ni, HTX còn liên kết với Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh, cơ sở kinh doanh sản phẩm Nông nghiệp Hùng Loan để cung cấp các loại giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu cho các xã viên. Bên cạnh đó, HTX còn ký hợp đồng bán vật tư đối với nông dân ngoài HTX, sau khi thu hoạch sẽ được thanh toán.

Không chỉ thực hiện tốt các khâu dịch vụ, HTX còn đẩy mạnh thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào canh tác; đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động xã viên thay đổi phương thức trồng lúa truyền thống. Nhờ vậy, từ vài ha được triển khai trồng lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, đến nay HTX đã nhân rộng mô hình, với diện tích 80 ha, năng suất đạt từ 7-7,5 tấn/ha. Với sự năng động, nhạy bén trong kinh doanh đã đưa HTX ngày càng phát triển đi lên. Đến nay, HTX Kinh doanh Dịch vụ tổng hợp Hoài Trung đã có 286 thành viên, doanh thu mỗi năm đạt trên 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, để nâng cao đời sống của xã viên khó khăn, HTX còn định hướng cách làm kinh tế, hỗ trợ bằng những việc làm cụ thể để phát triển sản xuất. Đơn cử, như hộ ông Lưu Xuân Mao, ở thôn Hoài Trung, với 6 sào đất trồng lúa, khi chưa thuộc thành viên của HTX, lúa đến giai đoạn cần bón phân, xịt thuốc nhưng chưa có tiền để mua vật tư nông nghiệp nên thương hay bị dịch bệnh, kém phát triển, nhiều vụ không mang lại hiệu quả. Sau khi tham gia vào HTX được hơn 2 năm nay, gia đình được hỗ trợ vật tư nông nghiệp, đến khi thu hoạch xong mới thanh toán lại cho HTX. Nhờ vậy, việc chăm sóc lúa được kịp thời, cuối vụ năng suất lúa luôn được đảm bảo từ 6,5-7 tạ/sào, cao hơn khoảng 1,5 tạ/sào so với trước đây, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Lưu Văn Hiệp, Giám đốc HTX, cho biết: Bên cạnh đầu tư các dịch vụ hiện có, HTX đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất lúa áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm”, tăng cường công tác tập huấn cho các thành viên áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa HTX phát triển ngày càng vững mạnh.

Tuy nhiên, trên chặng đường phát triển, ngoài những mặt thuận lợi, HTX cũng còn không ít những khó khăn. Nhất là nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị máy móc, việc kinh doanh vật tư nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào đại lý bên ngoài; khả năng tài chính hạn chế nên không đáp ứng được nhu cầu bao tiêu sản phẩm cho nông dân… Thiết nghĩ, để mô hình kinh tế HTX làm ăn có hiệu quả hơn nữa, tỉnh ta cần tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, cơ chế chính sách để tạo động lực mới cho HTX phát triển bền vững.