Phát triển sản phẩm đặc thù của tỉnh:

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù

(NTO) Tỉnh ta có lợi thế của vùng tiểu khí hậu nắng nóng quanh năm để sản xuất các loại nông sản giá trị. Phát triển sản phẩm đặc thù nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường là chủ trương nhất quán của tỉnh đang được các ngành, địa phương triển khai sâu rộng, bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Ngành Nông nghiệp gần đây có bước phát triển vượt bậc về ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất các mặt hàng nông sản chất lượng cao. Sau một thời gian đưa các sản phẩm ra thị trường, qua đánh giá của người tiêu dùng, đến nay có thể xác định một số sản phẩm đặc thù của tỉnh như: nho, táo, tỏi, măng tây xanh, nha đam, hành tím, dê, cừu, tôm giống… cần tập trung đầu tư phát triển.

 
Nho Ninh Thuận khẳng định vị thế trên thị trường nhờ hệ thống quản lý  và phát triển chỉ dẫn địa lý.  Ảnh: V.M

Tuy nhiên, để khách hàng nhận biết được sự khác biệt của sản phẩm đặc thù, vấn đề xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, nhìn nhận: Xây dựng thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản là giải pháp cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Muốn đạt được mục đích, có 2 nội dung cần tập trung giải quyết đó là đăng ký bảo hộ và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tạo tác động tích cực đến khách hàng cảm nhận được về thương hiệu.

Đối với hoạt động đăng ký bảo hộ, cách làm của tỉnh ta không đổ đồng dàn trải, mà chọn những mặt hàng đặc sản khác biệt, mang hương vị của xứ sở nắng gió để đăng ký. Nho là loại trái cây mà Sở KH&CN chọn đề xuất xây dựng Chỉ dẫn địa lý sớm nhất và được Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận vào đầu năm 2012. Theo đồng chí Lê Kim Hùng, cơ sở để chọn nho xây dựng Chỉ dẫn địa lý vì đây là mặt hàng trái cây đặc thù sản xuất trên quy mô khá lớn, tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào, sản lượng đạt khoảng trên 30.000 tấn/năm. Mặc dù nghề trồng nho có những thăng trầm, nhưng cây nho vẫn được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh.

 
Sản phẩm tỏi Phan Rang được các doanh nghiệp quảng bá đến người tiêu dùng. Ảnh: Văn Miên

Thành công từ việc tạo thương hiệu mạnh cho cây nho là cơ sở để tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng Chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt cừu và vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm. Nói về mặt hàng thực phẩm này, đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Tỉnh ta có một số vật nuôi đặc thù, nhưng cừu vẫn nổi trội hơn cả. Trải qua hàng trăm năm chọn lọc tự nhiên, mới hình thành nên sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến. Việc “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm thịt cừu” cùng với lập kế hoạch phát triển, quảng bá Chỉ dẫn địa lý là việc làm hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, giúp nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh, góp phần đưa thịt cừu đến với các vùng miền trên cả nước, tạo tiền đề cho xuất khẩu trong tương lai. Ngoài 2 sản phẩm Chỉ dẫn địa lý (nho, cừu) thì Sở KH&CN cũng đã chủ trì xây dựng 8 nhãn hiệu tập thể, gồm: Nước mắm Đông Hải, rau an toàn Văn Hải, An Hải; gốm Bàu Trúc; thổ cẩm Mỹ Nghiệp; táo Ninh Thuận; tỏi Phan Rang; măng khô Bác Ái và đang tiếp tục xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tôm giống. Hoạt động đăng ký bảo hộ đã góp phần nâng cao thương hiệu các sản phẩm đặc thù, người tiêu dùng tin tưởng khi mua sản phẩm sẽ được đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đặc thù nhằm kết nối thị trường, thúc đẩy cơ hội mua bán sản phẩm. Giai đoạn 2012-2016, Sở Công Thương đã tổ chức thực hiện 20 chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho chuỗi giá trị sản phẩm của tỉnh, đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần thiết thực vào phát huy hiệu quả trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng. Đơn vị cũng đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đầu đàn của tỉnh tham gia giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại nhiều nơi trong cả nước. Kết quả đã tiếp cận được 72 đơn vị, doanh nghiệp, chợ đầu mối, siêu thị định hướng tiêu thụ sản phẩm đặc thù của 52 tổ, nhóm sản xuất thông qua ký kết 14 bản ghi nhớ, 21 hợp đồng. Qua đó, hằng năm thông qua doanh nghiệp đã tiêu thụ được hơn 792 tấn nho, 1.194 tấn táo, 44,4 tấn tỏi, 170 tấn thịt dê, 280 tấn thịt cừu và một số mặt hàng nông sản khác. Đến nay, các sản phẩm đặc thù của tỉnh đã có mặt trong hệ thống Co,op Mart, Vinmart, Big C, Lotte, các chợ đầu mối tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước và một số cửa hàng tiện lợi ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, là những kênh phân phối uy tín tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng.

Có thể nói, những thành công bước đầu trong xây dựng thương hiệu một số sản phẩm đặc thù của tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần khai thác được tiềm năng, lợi thế, đưa ngành Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững n