Đẩy mạnh hoạt động khai thác hải sản vụ cá Nam

(NTO) Những ngày đầu tháng 8, nhờ tình hình thời tiết và ngư trường rất thuận lợi, ngư dân tỉnh ta đã tiếp tục bám biển đẩy mạnh hoạt động khai thác vụ cá Nam. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh khai thác đạt sản lượng trên 60.373 tấn hải sản các loại, đạt 73,12% kế hoạch năm, tăng 8,03% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo phân tích của Chi cục Thủy sản (TS) tỉnh, riêng trong tháng 8, dự báo đến cuối tháng ngư dân sẽ đánh bắt ước đạt trên 9.500 tấn hải sản các loại, như vậy sẽ nâng tổng sản lượng hải sản khai thác 8 tháng qua vào khoảng 69.873,1 tấn, đạt 84,62% kế hoạch năm và tăng 9,89% so với cùng kỳ năm trước. Các nghề khai thác đạt hiệu quả có: Pha xúc, vây rút chì, lưới rê nylon, lưới kéo và mành. Không chỉ tăng sản lượng khai thác, mà kể cả cơ cấu sản phẩm cũng đã chuyển dịch theo hướng tích cực với sản lượng đánh bắt xa bờ luôn chiếm tỷ lệ gần 3/4. Ngoài các loại hải sản như tôm, mực và cá có giá trị kinh tế cao ngày càng được ngư dân chú trọng, ngư dân phường Đông Hải (Phan Rang-Tháp Chàm) còn khai thác được trên 24.430 con tôm hùm giống; ngư dân phường Đông Hải và phường Mỹ Đông khai thác được trên 500 kg tôm hùm (loại lớn) và tôm mũ ni sống; ngư dân xã Phước Dinh (Thuận Nam) đánh bắt được 3.700 kg cua huỳnh đế. Với giá 140.000 đồng - 250.000 đồng/con tôm hùm giống, giá từ 650.000 đồng - 1.200.00 đồng/kg tôm hùm lớn và tôm mũ ni tùy loại, giá bình quân từ 320.000 đồng - 360.000 đồng/con cua huỳnh đế tùy loại, đã đem lại thu nhập đáng kể cho ngư dân.

 
Thu mua cá thóc tại Cảng cá Đông Hải.

Nhờ cá nổi xuất hiện rất dày và liên tục, đã có khoảng 95% tàu cá tỉnh ta tham gia hoạt động khai thác trên các vùng biển. Cụ thể trên ngư trường phía Nam tỉnh, cá cơm xuất hiện từ mũi Dinh kéo dài đến đảo Phú Quí (Bình Thuận), đảo Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Kiên Giang; cá nục xuất hiện từ ngư trường tỉnh ta đến Đại Lãnh (Phú Yên). Cùng với sự xuất hiện luồng cá nổi trên các ngư trường quen thuộc, điều đáng chú ý hơn cả là sự tăng thêm năng lực đánh bắt và yếu tố cơ cấu tàu cá đang chuyển dịch theo hướng đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh ta. Theo anh Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục TS tỉnh, hiện nay toàn tỉnh đã có 2.751 tàu cá với tổng công suất 291.026 CV, riêng tàu cá từ 90 CV trở lên chiếm khoảng gần 36% số tàu thuyền và trên 90% tổng công suất. Trong 2 năm qua lượng tàu thuyền có mặt ở vùng khơi đã ngày càng tăng nhanh, nếu đầu tháng 6 toàn tỉnh có 113 chiếc tàu (hành nghề khai thác và làm dịch vụ hậu cần nghề cá) đi đánh bắt xa, thì đến nay, chỉ trong vòng 2 tháng con số ấy đã nâng lên 140 chiếc (trong đó có trên 80% tàu hoạt động khai thác). Anh Trần Công Thắng, ngư dân ở khu phố 4, phường Đông Hải (Phan Rang-Tháp Chàm) cho biết: “Hầu hết tàu cá lớn hoạt động khai thác ở vùng biển giàn khoan DK1 và quần đảo Trường Sa, đây là ngư trường có đàn cá phong phú, có nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao”.

Đáng phấn khởi là nhờ tổ chức hình thành và đẩy mạnh hoạt động các Tổ hợp tác trong nghề đánh bắt và liên kết giữa các khâu (Khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần thương mại ở các cảng cá, bến cá) nên tình hình tiêu thụ nhanh hơn và giá sản phẩm tiếp tục tăng so với năm trước. Với hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá tương đối phát triển trên các cảng cá, bến cá, đã đủ khả năng đáp ứng cho trên 80% nhu cầu hoạt động khai thác hải sản. Nếu vào đầu năm 2015, vùng biển tỉnh ta chỉ có 72 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển với 321 tàu cá tham gia, thì tính đến thời điểm này đã thành lập được 137 tổ với 810 tàu cá tham gia. Ông Nguyễn Văn Bông, ngư dân xã Phước Diêm (Thuận Nam) chia sẻ: “Nhờ mô hình hợp tác này, các ngư dân an tâm, thường xuyên tổ chức đánh bắt hiệu quả ở các vùng biển xa bờ”.

Nhìn chung vụ cá Nam đang phát ra những tín hiệu mới, kích thích ngư dân tỉnh nhà vươn khơi xa khai thác. Anh Đặng Văn Tín cho biết thêm: Kế hoạch năm nay toàn tỉnh phấn đấu khai thác 82.570 tấn hải sản các loại, để đạt được chỉ tiêu trên, Chi cục TS đề ra một số biện pháp tích cực nhằm hỗ trợ hoạt động khai thác như tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động chủ các tàu khai thác biển xa trang bị máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh GPS; vận động ngư dân thành lập các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển; vận động ngư dân đăng ký tham gia các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá các hạng và nghiệp vụ thuyền viên tàu cá. Hy vọng với biện pháp hỗ trợ trên, sẽ tạo động lực cho ngư dân tỉnh nhà tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đánh bắt từ nay đến cuối năm, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch khai thác hải sản cả năm.