Từ Dự án HTTN đã giúp gia đình anh Pi-năng Chúc có thêm điều kiện phát triển chăn nuôi.
Xã Phước Thành hiện có 788 hộ dân/3.438 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã 2.900ha. Bên cạnh phát triển trồng trọt như bắp, mía, đậu xanh…, bà con còn phát triển chăn nuôi gia súc. Thực hiện Dự án HTTN, cuối năm 2014, Ban Phát triển xã đã khảo sát và thành lập 5 nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò sinh sản, với 110 hộ thành viên, ưu tiên cho hộ nghèo và cận nghèo. Tháng 7-2015, từ Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF), các thành viên được dự án ưu tiên hỗ trợ trước 55 con bò cái sinh sản, với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng, 20% vốn đối ứng còn lại do các hộ tự bỏ ra và thực hiện theo hình thức nuôi luân chuyển. Để mô hình thực hiện hiệu quả, đúng theo kế hoạch của dự án, các thành viên của nhóm được DASU huyện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng bệnh, chăm sóc... Hàng tháng, mỗi nhóm đều tổ chức họp trao đổi kinh nghiệm, báo cáo tình hình với Ban Phát triển xã để đưa ra phương pháp chăm sóc đàn bò tốt hơn.
Theo ghi nhận của Ban Phát triển xã, mặc dù đang trong mùa khô hạn, khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn và nước uống, nhưng các nhóm vẫn duy trì đàn bò phát triển tốt bằng cách luân phiên nhau chăm sóc, một số nhóm đã tận dụng diện tích đất trống để trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò. Nhờ đó, sau một thời gian chăm sóc, từ 55 bò giống đã có 8 con sinh sản và nhiều con đang trong thời kỳ cấn chửa, nên hầu hết các hộ tham gia đều rất phấn khởi. Anh Pi-năng Chúc, thành viên thuộc nhóm nuôi bò thôn Ma Dú, chia sẻ: Mình được dự án hỗ trợ 1 con bò, khi nhận về đã cấn chửa được hơn 5 tháng. Để chăm sóc tốt, các thành viên trong gia đình thay phiên nhau cắt cỏ, hiện nay bò đã sinh được bê con khoảng 2 tháng tuổi. Đây sẽ là nguồn vốn để gia đình mình có cơ hội thoát nghèo sau này…
Đồng chí Chamaléa Nhiên, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết: Mô hình nuôi bò sinh sản trên địa bàn xã tuy mới triển khai nhưng đã cho thấy tín hiệu đáng mừng. Từ sự hỗ trợ của Dự án HTTN trong việc phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bò sinh sản không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, mà còn góp phần thay đổi nhận thức, tập quán nuôi chăn thả của bà con. Đây là tín hiệu vui nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo được liên kết, hợp tác với nhau trong phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình, góp phần tạo thu nhập ổn định cho các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hồng Lâm