Gỡ khó cho xuất khẩu lao động

(NTO) Thực hiện công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ cho người lao động được đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, công tác XKLĐ tại tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2011-2015, toàn tỉnh có 170 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Số lao động đi làm việc ở thị trường Malaysia 109 người, Nhật Bản 39 người, Hàn Quốc 17 người, Ả Rập Xê Út 3 người, Đài Loan 1 người và Nga 1 người… Trong đó, riêng huyện Bác Ái thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 24-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, đã có 41 lao động được đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy rằng công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là về trình độ, tay nghề; số lao động ra nước ngoài làm việc còn thấp so với tiềm năng lao động của tỉnh. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2016, tỉnh ta có 120 chỉ tiêu XKLĐ, nhưng đến nay chỉ mới có 26 trường hợp tham gia, đạt 21,7% kế hoạch. Trong đó, một số địa phương như huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Phước tỷ lệ lao động tham gia đạt thấp…

 
Công tác tư vấn xuất khẩu lao động. Ảnh: Thế Quang

Để đẩy mạnh công tác XKLĐ trên địa bàn, nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra và thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04-CT/TU, ngày 13-11-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải quyết việc làm, XKLĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu XKLĐ cho các huyện, thành phố; đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Ông Lê Thái Hiền, Trưởng phòng Tư vấn việc làm, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, cho biết: Người lao động tại địa phương còn ngại không muốn đi làm ăn xa, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Một số thị trường đòi hỏi khắt khe về kỷ luật lao động, tác phong làm việc, khả năng giao tiếp ngoại ngữ cũng tạo nên những rào cản, khó khăn hơn cho người lao động. Mặt khác, công tác tuyên truyền XKLĐ chưa được sâu rộng. Tại một số địa phương, khi cán bộ đi tư vấn nhưng không tập hợp được lao động. Về vốn đi XKLĐ, nhất là thị trường Nhật Bản cũng khá cao nên nhiều người không đủ khả năng tham gia.

Nhằm đẩy mạnh công tác XKLĐ trên địa bàn những tháng cuối năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo giải quyết việc làm-XKLĐ để theo dõi, phân công giám sát địa bàn, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách liên quan đến XKLĐ; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức tư vấn, định hướng cho người lao động tại cơ sở; thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, xem đây là tiêu chí để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.

Các đơn vị tuyển dụng cần chủ động phối hợp với các địa phương để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tuyển chọn lao động; cung cấp thông tin đầy đủ về tiêu chuẩn, ngành nghề, thị trường lao động nước ngoài; tổ chức đào tạo, giáo dục định hướng và đưa lao động xuất cảnh đúng thời hạn cũng như bảo đảm đầy đủ chế độ, quyền lợi của người lao động theo hợp đồng đã ký. Hy vọng rằng công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh ta thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.