Để cây nho phát triển bền vững

(NTO) Trong cơ cấu cây trồng của tỉnh Ninh Thuận thì nho là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, diện tích nho của tỉnh là trên 1.057ha, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 2.500ha.

Trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đầu tư nghiên cứu để nâng cao hiệu quả nghề trồng nho, như nghiên cứu về giống (xây dựng vườn tập đoàn và đánh giá tuyển chọn giống, phục tráng giống nho đỏ Red Cardinal), tập huấn về phương pháp ghép chồi, đánh giá và tuyển chọn giống làm gốc ghép, hướng dẫn phát hiện sớm thành phần sâu bệnh và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại trên nho, đặc biệt đã nghiên cứu thành công các biện pháp tổng hợp để phòng trừ sâu bệnh hại nho, kết quả cho thấy có thể giảm 30-50% lượng thuốc bảo vệ trên nho, dư lượng thuốc trên quả nho đạt dưới ngưỡng cho phép, lợi nhuận tăng 3,5-4 triệu đồng/vụ/ha.

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, Sở KH&CN đã phối hợp với Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh thuộc Viện Khoa học nông nghiệp phía Nam đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu “Ứng dụng phân bón hữu cơ sinh học và các chế phẩm sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên cây nho Ninh Thuận”. Kết quả nghiên cứu, đặc biệt là công thức “Hữu cơ sinh học + ½ phân vô cơ” cho thấy:

 
Niềm vui của nông dân được mùa nho NH 01-48.

- Phân hữu cơ sinh học có tác dụng tốt đến sinh trưởng và phát triển của cây nho, giúp nho giữ vững được năng suất cao và ổn định.

- Phân hữu cơ sinh học và các chế phẩm sinh học, vi sinh có tác dụng giúp cây khỏe, tăng khả năng đề kháng sâu bệnh của cây nho. Do đó, có khả năng giảm lượng thuốc hóa học sử dụng, đồng thời giảm được dư lượng thuốc trên quả nho.

- Phân hữu cơ sinh học và các chế phẩm sinh học, vi sinh có khả năng nâng cao chất lượng quả nho, cụ thể là tăng tỷ lệ chất khô, độ đường và đặc biệt là giảm hàm lượng NO3, đồng thời giúp môi trường đất được bền vững, ổn định.

Kết quả nghiên cứu đã được chính quyền địa phương và đông đảo bà con nông dân tin tưởng áp dụng. Từ những tiến bộ khoa học-kỹ thuật đã đạt được, để từng bước khắc phục những tồn tại trong sản xuất nho ở địa phương, việc xây dựng “Mô hình phòng trừ tổng hợp dịch hại kết hợp ứng dụng các chế phẩm hữu cơ sinh học trên cây nho” có ý nghĩa rất lớn đối với chương trình phát triển vùng nho Ninh Thuận, là bước đột phá phù hợp với chủ trương phát triển nền nông nghiệp sạch và bền vững hiện nay.

Tỉnh đã có tập đoàn giống nho phong phú được trồng thí nghiệm ở Viện Nghiên cứu cây bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (khoảng 132 giống gồm: nho ăn tươi và nho làm rượu dùng chế biến rượu vang), đã triển khai một số giống nho ăn tươi có triển vọng như NH 01-48 (380ha) và một số giống mới đang trồng thử nghiệm (Black Queen, Italia, Red Star, Patchong, NH 01-152...) đang đưa vào sản xuất.

Khó khăn hiện nay là việc mở rộng diện tích nho của tỉnh còn mang tính tự phát, phần lớn dựa vào kinh nghiệm của nông dân. Chưa biết áp dụng quy trình canh tác hữu cơ sinh học, chủ yếu dựa vào nguồn phân, thuốc BVTV trên thị trường có nguồn gốc hóa học và chưa có hiểu biết nhiều về công nghệ bảo quản nho tươi sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề trồng nho.

Thông qua lớp tập huấn phổ biến kiến thức năm 2016 đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh triển khai tại huyện Ninh Phước, Ninh Hải và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, với chủ đề: “Chuyển giao công nghệ bảo quản nho, táo là những sản phẩm đặc thù sản xuất tại Ninh Thuận cho nông dân và doanh nghiệp” có sự tham dự của 200 nông dân và doanh nghiệp trong tỉnh; giúp cho nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà thu mua nho hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn VietGAP, biết áp dụng vào chuỗi sản xuất nho từ khâu canh tác, sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý, quy trình bảo quản nho tươi, đóng gói, sử dụng nhãn mác của Chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho, giúp cho thương hiệu Nho an toàn Ninh Thuận cạnh tranh thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.