Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiểm tra công tác phòng chống bão tại Hải Phòng, Quảng Ninh
Chiều 18-8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
Tại Hải Phòng, thị sát tuyến đê biển số 1 Đồ Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh không được chủ quan bởi đây là cơn bão rất mạnh và càng vào gần đất liền cường độ càng mạnh. Hải Phòng cần quán triệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Vì đây là cơn bão kéo theo lượng mưa lớn tới 200-300mm, thậm chí có nơi tới 400mm, Hải Phòng cần đặc biệt quan tâm tới công tác thoát nước đô thị.
Nhiệm vụ số 1 là bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng con người, đồng thời giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản; có phương án bảo đảm lưu trú cho khách du lịch bị kẹt bởi bão; nhanh chóng khôi phục, ổn định cuộc sống, sinh hoạt của người dân sau bão.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm việc cấm biển từ 17h chiều nay; vận động bà con ngư dân, nuôi trồng thủy sản vào nơi an toàn tránh bão. Các cấp ủy, chính quyền của Thành phố Hải Phòng hủy, hoãn tất cả các cuộc họp khác để tập trung thực hiện nhiệm vụ chống bão.
Được biết Hải Phòng đang điều 5 đoàn công tác đi chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3 trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo các lực lượng quân đội, công an ứng trực tìm kiếm cứu nạn tại vịnh Lan Hạ (Cát Bà); thông báo đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy, vui chơi giải trí trên khu vực biển đảo và ven sông từ 17h chiều nay.
Trước 9h sáng mai 19/8, dự kiến Hải Phòng sẽ hoàn thành công tác sơ tán nhân dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng trũng thấp, nhà nguy hiểm, vùng đồi núi có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng chống bão tại Nam Định, Thái Bình
Chiều 18-8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Nam Định và Thái Bình.
Tại Nam Định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh để nghe báo cáo về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3; đi kiểm tra tình hình neo đậu tàu, thuyền tại cảng cá Ninh Cơ, đi kiểm tra tuyến đê biển Hải Hậu.
Phó Thủ tướng cũng đi kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền, sơ tán người dân khỏi những khu vực nguy hiểm tại cảng Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Đánh giá cao sự chuẩn bị quyết liệt, tích cực của các địa phương, Phó Thủ tướng nhận định: “Cơn bão số 3 có diễn biến phức tạp, trên diện rộng, tiếp theo bão số 1, 2 vừa đổ bộ vào Nam Định, Thái Bình gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước, người dân. Cần phải rút ra bài học kinh nghiệm để ứng phó. Nếu chủ động ứng phó sẽ khắc phục được nhiều hậu quả đáng tiếc”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ số một là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tất cả tàu, bè ngoài biển phải đưa vào bờ. Tập trung cùng các địa phương sơ tán người dân khỏi các công trình cũ, có khả năng sập đổ cao.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý địa phương tính toán phương án có thể cho các em học sinh ở tất cả các cấp học nghỉ học tránh bão. Tuyệt đối cấm các hoạt động du lịch và tập trung bảo vệ các công trình xây dựng. Đặc biệt, tập trung bảo vệ đê biển bằng phương tiện, vật tư tại chỗ.
Ông Phạm Văn Sinh, Bí thư tỉnh ủy Thái Bình cho biết, đến thời điểm chiều 18/8, tất cả các phương tiện tàu thuyền đã về nơi trú tránh an toàn. Tỉnh cũng đã tiến hành sơ tán người dân khỏi những lồng bè nuôi trồng thủy sản, những khu vực nguy hiểm.
Tỉnh Nam Định đã chuẩn bị vật liệu để gia cố đê, cụ thể đã chuẩn bị 1.000 rọ đá, bổ sung 1.500 rọ để rải ở những điểm xung yếu. Lực lượng xung kích luôn túc trực sẵn sàng để chủ động khi có sự cố. Hiện địa phương cũng đã chuẩn bị phương án bơm nước để chống ngập úng.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo Hội nghị về công tác Đảng ngoài nước
Chiều 18-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị về công tác Đảng ngoài nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ghi nhận những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của Đảng bộ ngoài nước, nhấn mạnh để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị đại biểu Đảng bộ ngoài nước nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy ngoài nước cần làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những chủ trương, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng ở nước ngoài.
Theo Phó Thủ tướng, cần tăng cường đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng và quản lý đảng viên; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo vệ chính trị nội bộ và các quy định về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động quần chúng giúp đỡ đồng bào ổn định đời sống, hòa nhập với nước sở tại, giữ gìn truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa của dân tộc, gắn bó với quê hương đất nước.
Bên cạnh đó, Đảng ủy ngoài nước phối hợp hơn nữa với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình trong nước cho cán bộ, đảng viên, quần chúng ở nước ngoài.
Hội nghị diễn ra từ 18-19/8 sẽ tập trung thảo luận những biện pháp, giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; những chủ trương và giải pháp mới về quản lý tổ chức đảng, đảng viên ở ngoài nước; nâng cao hiệu quả công tác vận động, tập hợp quần chúng; quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy ngoài nước và các ban đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu
Ngày 18-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát hoạt động kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa tại Cảng Cát Lái và làm việc với Cục Hải quan TPHCM, các bộ ngành cùng đại diện nhiều doanh nghiệp.
Quản lý chuyên ngành là một trong những trọng tâm cải cách tại Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết này yêu cầu cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm, đồng thời đề ra hàng loạt giải pháp cụ thể. Đến hết năm 2016, phải giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 – 35% như hiện nay xuống còn 15%.
Với mong muốn nghe trực tiếp ý kiến từ các cán bộ hải quan, đại diện doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “tinh thần thẳng thắn, không nể nang, xác định rõ những gì thuộc trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan hải quan...”.
Báo cáo Phó Thủ tướng, Cục Hải quan TPHCM cho biết cả năm 2015 đơn vị chỉ phát hiện 76 vụ vi phạm, chiếm 0,019% trên tổng số tờ khai kiểm tra chuyên ngành; quý 1/2016 có 11 vụ vi phạm, chiếm 0,0089% trên tổng số tờ khai kiểm tra chuyên ngành. Trong khi số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, riêng trong 3 tháng đầu năm 2016, tổng số tờ khai nhập khẩu là 309.185 tờ khai, số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành là 123.283 (bằng 39,87%).
Kết quả này cho thấy quy định về kiểm tra chuyên ngành hiện nay không hiệu quả và hiệu lực. Chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra trả cho các cơ quan kiểm tra chuyên ngành là rất lớn và trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, nhưng lớn hơn rất nhiều lần là chi phí cơ hội mà doanh nghiệp phải chịu vì thời gian thông quan bị kéo dài, doanh nghiệp sẽ không thể đưa hàng hóa vào sản xuất, kinh doanh kịp thời.
Những ý kiến của doanh nghiệp được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “chuyển” đến lãnh đạo các bộ ngành có mặt tại cuộc họp. Lãnh đạo các Bộ KH&CN, NN&PTNT, Y tế, Công Thương đã trao đổi, phản hồi tại cuộc làm việc.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ phải đưa ra cam kết, thời hạn cụ thể trong việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, trong đó có những ý kiến được nêu ra trong cuộc làm việc như công nhận chữ ký đại lý hải quan khi làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đề xuất phương án xử lý việc kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng mô tơ tiết kiệm năng lượng; rà soát, sửa đổi những thông tư liên quan đến kiểm tra chuyên ngành theo nhiệm vụ đã được giao trong Nghị quyết 19…
“Chúng ta phải làm theo xu hướng quốc tế là quản lý rủi ro; áp dụng việc công nhận sản phẩm lẫn nhau không chỉ ở các nước ký tương đương mà cả những sản phẩm thương hiệu toàn cầu nổi tiếng”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đặt yêu cầu cụ thể trong thời gian tới số lượng các mặt hàng bắt buộc kiểm tra chuyên ngành phải ít nhất, thời gian kiểm tra nhanh nhất, tần suất giảm ít nhất 15% vào quý IV/2016.
“Kiểm tra phải nhanh nhất có thể, chúng ta tính theo ngày nhưng Ngân hàng Thế giới đã tính theo giờ. Có những thứ tưởng nhỏ nhưng doanh nghiệp kêu mãi mà chúng ta không xử lý được thì doanh nghiệp nản không muốn kêu, rồi không quan tâm tham gia góp ý, phản biện đối với việc hoạch định, xây dựng chính sách”, Phó Thủ tướng thẳng thắn.
Nhắc lại mục tiêu của Nghị quyết 19 là đến năm 2017, môi trường kinh doanh phải đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu và đến năm 2020 môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN-3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải làm sao để doanh nghiệp không chỉ hy vọng mà còn tin tưởng.
“Doanh nghiệp trông đợi vào Chính phủ, bộ ngành những thứ rất cụ thể, còn phân công, phối hợp thế nào là công việc của các bộ, ngành”, Phó Thủ tướng lưu ý và cho rằng công việc phần nhiều nằm ở các bộ quản lý chuyên ngành.
Bên cạnh đó, thông tin, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc tạo đồng thuận, ủng hộ để ngành Hải quan, các đơn vị kiểm tra chuyên ngành mạnh dạn đổi mới trong công tác này.
Nguồn Văn phòng Chính phủ