Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc về Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư
Ngày 16-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896) chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo kiểm điểm kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Ghi nhận những kết quả Ban Chỉ đạo đã đạt được từ đầu năm đến nay, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được phê duyệt nhưng vẫn còn vướng mắc liên quan đến thủ tục lựa chọn nhà thầu nên chưa thể triển khai.
Hiện, Bộ Công an đã phê duyệt dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phối hợp với Bộ KH&ĐT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26, Luật Đấu thầu.
Nhấn mạnh đây là dự án nền tảng, quyết định sự thành bại của Đề án 896, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và Viettel thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Bộ KH&ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an hoàn thiện xong thủ tục lựa chọn nhà thầu trong tháng 8, đưa dự án vào triển khai trong tháng 9 tới.
Để bảo đảm việc triển khai nhiệm vụ của Đề án tại các bộ, ngành, địa phương được đồng bộ, Bộ Công an cần khẩn trương đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường phối hợp trong triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tháng 9/2016.
Phó Thủ tướng lưu ý với Cơ sở dữ liệu này, Bộ Công an trực tiếp quản lý, cập nhật, các bộ ngành có quyền khai thác. Còn những vấn đề thuộc về bí mật đời tư công dân phải có phần mềm bảo vệ, chỉ người có thẩm quyền mới được truy cập.
Nhấn mạnh việc rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân là công tác rất quan trọng của Đề án nhằm loại bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, đơn giản hóa trình tự và giảm thời hạn giải quyết thủ tục, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng khẩn trương hoàn thành kết quả rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp. Các bộ, ngành cần lấy ý kiến các chuyên gia, các địa phương, hoàn thiện phương án đơn giản hóa của bộ, ngành mình trong quý III/2016.
Theo báo cáo của các bộ ngành, triển khai Đề án, đến ngày 30/6, đã có 128.440 trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân. Đã có hơn 3,3 triệu công dân tại 16 tỉnh, thành phố được cấp mã số định danh cá nhân.
Việc rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân theo Đề án 896 đã cơ bản hoàn thành. Trong tổng số 1.934 thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin công dân, các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa đối với 1.126 thủ tục, chiếm 58,2%, trong đó đề xuất bãi bỏ, hủy bỏ 34 thủ tục, đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 28 thủ tục, cắt giảm thành phần hồ sơ của 1.042 thủ tục, sửa nội dung 812 mẫu đơn, 201 tờ khai và đơn giản hóa 22 giấy tờ công dân.
Các thành phần hồ sơ liên quan đến thông tin cá nhân được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa phổ biến là bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, giấy khai sinh, sơ yếu lý lịch.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Tổng cục Thống kê
Ngày 16-8, làm việc với Tổng cục Thống kê, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra yêu cầu đổi mới công tác thống kê theo hướng hiện đại và cơ quan thống kê quốc gia phải chịu trách nhiệm cuối cùng về các số liệu.
Nhận định thống kê là công cụ quản lý vĩ mô rất quan trọng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “không có thông tin thì không thể ra quyết định được”.
“Ví dụ như vấn đề khách du lịch có đóng góp như thế nào đối với phát triển kinh tế, chi tiêu như thế nào lúc du lịch tại Việt Nam, khi Chính phủ làm Đề án đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chúng tôi lấy số liệu cực khổ. Số liệu về các vùng, ngành kinh tế còn cực khổ hơn nữa”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Cũng theo Phó Thủ tướng, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo xuất khẩu 200.000 tấn thịt lợn nhưng Bộ Công Thương báo cáo xuất được 300.000 tấn. Ông đề nghị ngành phải giải đáp vấn đề này.
Chỉ rõ những thành tựu và hạn chế của ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thống kê phải đổi mới, hoàn thiện theo hướng hiện đại bảo đảm 4 chỉ tiêu: đồng bộ hóa, chuẩn hóa, quy trình hóa và tin học hóa. Tất cả quá trình tổng hợp, phân tích, dự báo, thông tin phải phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhưng lưu ý tới điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam để bảo đảm căn cứ chuẩn xác cho Chính phủ hoạch định chính sách.
Ví dụ, thống kê lao động Việt Nam khác với cách thống kê lao động của các nước phát triển vì ở các nước này, mất việc là thất nghiệp ngay nhưng ở Việt Nam một người thất nghiệp có thể chuyển sang ngay công việc khác trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu ngành Thống kê thực hiện đa dạng hóa sản phẩm thống kê, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của thông tin thống kê, bảo đảm tính chân thực, khách quan, trung thực, kịp thời, đi kèm với phân tích, dự báo và đánh giá tình hình kinh tế, xã hội.
Ngoài ra, phải công khai, minh bạch cách thống kê để tạo niềm tin cho người sử dụng thông tin và người dân giám sát được chất lượng thông tin. “Cơ quan thống kê quốc gia phải chịu trách nhiệm cuối cùng về con số này”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng để bảo đảm giá trị thông tin của cơ quan thống kê, không quan trọng cơ quan này phải đặt ở đâu mà quan trọng là tính độc lập, trung thực trong chuyên môn, nghiệp vụ. Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục Thống kê rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cơ cấu lại số cán bộ hiện có theo hướng cải cách mạnh mẽ để đáp ứng nhiệm vụ trong thời gian tới. Chính phủ sẽ tạo mọi thuận lợi về cơ chế, điều kiện cho ngành Thống kê thực hiện nhiệm vụ.
Đối với việc tính tổng sản phẩm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Tổng cục cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại cách tính này.
“Nên chăng từ năm 2017 thì Tổng cục thực hiện tính GRDP một vài năm, rồi kiểm soát, đánh giá lại và giao cho các tỉnh làm vì các địa phương vẫn còn vai trò của Cục Thống kê, hoạt động với đầy đủ chức năng, nghiệp vụ. Không thể cắt khúc việc thu thập, quản lý, tính toán và công bố số liệu thống kê”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Về chỉ tiêu kinh tế- xã hội vùng lãnh thổ, vùng kinh tế (cả nước đang có 6 vùng kinh tế-xã hội và 4 vùng kinh tế động lực), Phó Thủ tướng cho việc không có số liệu thông tin thống kê của vùng khiến công tác kiểm tra, giám sát, lập quy hoạch là rất khó khăn. “Không phải là việc thành lập một cấp thống kê vùng mà phải chiết xuất thông tin ra mà làm”, Phó Thủ tướng nói.
Nguồn Văn phòng Chính phủ