Nhiều cơ sở vi phạm
Từ 2 giờ sáng, khu lò mổ gia súc tập trung trên bờ đê sông Dinh (thuộc khu phố 3, phường Kinh Dinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đã rộn ràng. Đây là khu giết mổ gia súc tập trung lớn nhất trên địa bàn thành phố, với khoảng 500m2, bao gồm các khu giết mổ, sơ chế nội tạng, chuồng nhốt gia súc. Hiện lò mổ tập trung 12 hộ, giết mổ heo trung bình khoảng 70 con/ngày; vào dịp Tết Nguyên đán có thể lên đến trên 100 con/ngày. Vào bên trong khu giết mổ, chúng tôi thật sự “sốc” khi chứng kiến toàn bộ quy trình giết mổ đều thực hiện ngay trên sàn xi măng loang lổ. Những con heo sau khi bị chọc tiết nằm lăn lóc giữa sàn nhà lẹp nhẹp nước. Sau khi được giết mổ, lấy đi nội tạng, phần thịt được xịt rửa qua loa bằng nước rồi bỏ lên xe máy, xe ba-gác chở đến các nơi tiêu thụ… Tồn tại trong suốt thời gian dài nhưng do không được nâng cấp, tu sửa nên cơ sở này đã xuống cấp trầm trọng. Ông Lâm Hoàng, chủ cơ sở, cho biết: Chúng tôi biết là điều kiện cơ sở vật chất của lò mổ không đáp ứng yêu cầu, nhưng việc cải tạo, nâng cấp rất khó, vì nếu cho ngưng, lò giết mổ không biết hoạt động ở đâu. Hơn nữa, cơ sở nằm trong hành lang bảo vệ bờ đê sông Dinh nên không được phép sửa chữa, xây dựng…
Tình trạng mất ATVSP tại lò giết mổ gia súc, gia cầm.
Tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn nghiêm trọng hơn nhiều. Nhiều cơ sở giết mổ gia súc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y vẫn ngang nhiên hoạt động…
Cần có biện pháp hữu hiệu, lâu dài…
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có 77 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hoạt động, trong đó có 6 cơ sở giết mổ tập trung có quy mô vừa, 71 cơ sở còn lại quy mô nhỏ lẻ, rải rác trong khu dân cư… Trong số đó, có 53 cơ sở xếp loại C, tức là không đủ điều kiện được phép hoạt động, hầu hết vi phạm vào các nhóm chỉ tiêu: Vị trí, địa điểm chưa phù hợp, nằm trong khu dân cư, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, chưa xây dựng đề án bảo vệ môi trường. Kết cấu khu giết mổ không bảo đảm tiêu chuẩn. Bố trí công đoạn giết mổ, sơ chế chưa theo nguyên tắc một chiều, chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng công suất không đủ chứa, thải trực tiếp ra môi trường làm ảnh hưởng đến vệ sinh chung…
Ông Quảng Đại Cho, Trưởng phòng Thú y cộng đồng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Đối với các lò giết mổ đạt loại C, theo quy định, sau 3 tháng kể từ khi được thanh tra, kiểm tra, nếu không cải thiện, khắc phục lỗi buộc phải ngưng hoạt động. Việc ký quyết định đình chỉ hoạt động các cơ sở này do UBND các huyện, thành phố thực hiện. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã gửi nhiều văn bản tham mưu, yêu cầu UBND các huyện, thành phố ra quyết định cho ngưng hoạt động một số cơ sở không đủ điều kiện nhưng đến nay chưa có cơ sở nào bị đình chỉ.
Theo đánh giá, với tình hình hoạt động của các cơ sở giết mổ như hiện nay rất phức tạp, khó có thể giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm; việc đình chỉ hoạt động của các cơ sở vi phạm cũng khó thực hiện được vì nếu áp dụng theo các quy định điều kiện vệ sinh thú y, hầu hết các cơ sở đều không đáp ứng được, mắc nhiều lỗi nặng, nghiêm trọng. Nếu đồng loạt đình chỉ hoạt động các cơ sở này, chắc chắn việc cung ứng thịt gia súc cho thị trường trong tỉnh sẽ có biến động…
Như vậy, để giải quyết tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các lò mổ, trước mắt, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho các chủ cơ sở, nhất là khắc phục các lỗi cơ bản, nghiêm trọng trong hoạt động giết mổ. Bên cạnh đó, các địa phương cần nhanh chóng triển khai thực hiện Quyết định 2816/QĐ-UBND, ngày 28-10-2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Đề án Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2020. Bởi đây chính là biện pháp hữu hiệu duy nhất giải quyết dứt điểm tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở các cơ sở giết mổ, cũng như tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống các hộ dân quanh khu vực giết mổ như hiện nay.
Uyên Thu