Sản phẩm nho được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý vào tháng 2-2012. Từ đó đến nay, Hiệp hội Nho Ninh Thuận đã cấp cho 8 đơn vị sản xuất, kinh doanh nho 70.000 tem nhãn dán trên bao bì sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc xuất xứ, chất lượng mặt hàng đã được bảo hộ. Số tem nhãn trên là quá ít so với lượng nho sạch cung cấp ra thị trường ngày càng lớn như hiện nay. Theo nội dung Chỉ dẫn địa lý, có 5 vùng trồng nho trong tỉnh được bảo hộ, gồm: Thị trấn Phước Dân, xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hữu (Ninh Phước) và xã Phước Nam (Thuận Nam). Tuy vậy, hiện nay vùng trồng nho sạch đã được mở rộng sang địa bàn huyện Ninh Hải, Tp.Phan Rang - Tháp Chàm, những nơi có các HTX sản xuất, kinh doanh nho rất mạnh như HTX Nho VietGAP Xuân Hải, HTX Nho VietGAP Văn Hải (mỗi HTX sản xuất gần 100 ha nho sạch) nhưng không nằm trong phạm vị được cấp nhãn bảo hộ là thiệt thòi lớn. Việc quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý không theo kịp đà phát triển ngày càng mạnh của nghề trồng nho tạo “lỗ hổng” cho các đối tượng trà trộn mặt hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến thương hiệu của sản phẩm đã được bảo hộ.
Du khách mua nho tại Doanh nghiệp tư nhân Ba Mọi. Ảnh: Sơn Ngọc
Tương tự, công tác quản lý phát triển Nhãn hiệu tập thể của các sản phẩm đặc thù cũng còn nhiều hạn chế. Ngoài Táo Ninh Thuận, Tỏi Phan Rang chủ sở hữu quản lý nhãn hiệu là Hội Nông dân tỉnh đã cấp quyền sử dụng cho 3 doanh nghiệp (Doanh nghiệp tư nhân Ba Mọi, Công ty TNHH Đầu tư Đỉnh Lợi, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận) đang phát huy tác dụng, các nhãn hiệu khác, công tác quản lý, phát triển hầu như “dậm chân tại chỗ”. Đơn cử, Thổ cẩm Mỹ Nghiệp được cấp bằng bảo hộ năm 2012, do HTX Dịch vụ Sản xuất, Kinh doanh dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp làm chủ sở hữu, nhưng đến nay hoạt động cấp quyền sử dụng nhãn hiệu và quản lý phát triển chưa được thực hiện.
Rau an toàn An Hải được cấp bằng bảo hộ năm 2011, nhưng HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú làm chủ sở hữu không sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm, không sử dụng thiết kế bao bì kinh doanh vì sản phẩm chủ yếu bán cho tiểu thương ở các chợ đầu mối truyền thống. Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho rằng: Nguyên nhân các Nhãn hiệu tập thể chưa phát huy đúng giá trị sau khi được bảo hộ là do các tổ chức sở hữu (HTX, hội) hoạt động sản xuất, kinh doanh còn yếu, bộ máy hoạt động bộc lộ nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ HTX chưa am hiểu nhiều về kiến thức sở hữu trí tuệ cũng là trở ngại lớn cho công tác quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể.
Để phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc thù, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh đề ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, chỉ đạo ngành chức năng, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ. Theo đồng chí Lê Kim Hùng, đối với hoạt động quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận, việc cần làm trước mắt là tỉnh sớm ban hành quy chế quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị có liên quan, làm căn cứ pháp lý để các ngành có trách nhiệm phối hợp, kết hợp thực hiện nhiệm vụ. Kiện toàn và nâng cao năng lực tổ chức bộ máy của Hiệp hội Nho Ninh Thuận; thay đổi phương thức quản lý, cấp phát sử dụng tem nhãn nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình kinh doanh cho các cơ sở đã được cấp Chỉ dẫn địa lý. Sở KH&CN cũng đang xúc tiến lập dự án xây dựng cơ sở khoa học để đăng ký hồ sơ mở rộng vùng Chỉ dẫn địa lý trồng nho, bổ sung thêm địa bàn Tp.Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Hải; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm năng cùng tham gia vào hoạt động quản lý Chỉ dẫn địa lý. Riêng hoạt động quản lý và phát triển các Nhãn hiệu tập thể, giải pháp căn cơ để phát huy giá trị là nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX hiện đang làm chủ sở hữu các Nhãn hiệu tập thể bằng hình thức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ quảng bá, thương mại hóa sản phẩm thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, hội chợ, triển lãm…
Anh Tùng