(NTO) Có thể nói, huyện Thuận Nam thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nói chung, về kinh tế nói riêng từ đầu năm đến nay bên cạnh những thuận lợi cơ bản vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt Thuận Nam còn là huyện đã gánh chịu hậu quả nặng nề của hạn hán kéo dài không những làm cho sản xuất nông nghiệp ngưng trệ, sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp so với dự báo... mà còn tác động đến nhiều mặt đời sống dân sinh. Chỉ tính trong 6 tháng qua, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện chỉ đạt trên 1.896 ha so với 5.000 ha kế hoạch, trong đó, cây hàng năm đạt 1.130 ha (cây lúa 249 ha, các loại cây rau, cỏ, bắp, đậu 281 ha); chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang trồng đậu xanh và cây hoa màu khác với diện tích trên 600 ha, đạt 37,9 % kế hoạch năm. Không những vậy, sản lượng đánh bắt thủy sản cũng đạt thấp, bằng 32,3% kế hoạch năm, thấp hơn gần 37% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất nông nghiệp là lợi thế của huyện. Tuy nhiên, từ những tháng cuối năm 2015 đến nay thời tiết nắng nóng kéo dài, tình hình hạn hán diễn ra ngày càng gay gắt và khốc liệt nên công tác phòng, chống hạn được UBND huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Trong đó, tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, đảm bảo ổn định đời sống người dân. Thực tế đáng ghi nhận là người dân bằng kinh nghiệm và bài học thực tiễn đã năng động, chủ động tham gia sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu như chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa sử dụng tiết kiệm nước tưới… Đáng nói là Thuận Nam đã “chống hạn” bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng với diện tích trên 600 ha, trong đó chủ yếu chuyển đổi từ đất lúa sang trồng đậu xanh trên 450 ha, vượt 20% kế hoạch tỉnh giao. Tập trung ở các xã thiếu nước như Phước Hà 100 ha, Nhị Hà 100 ha, Phước Ninh 100 ha và Phước Nam 150 ha. Theo thống kê, năng suất cây đậu xanh chuyển đổi, bình quân đạt trên 8 tạ/ha. Ngoài ra, nông dân còn chuyển đổi trồng các loại cây màu khác trên 150 ha. Đặc biệt, đối với vụ hè thu ở các vùng cuối kênh không có nước nên không bố trí sản xuất lúa, chỉ gieo trồng các loại cây như rau đậu với diện tích trên 520 ha...
Nông dân Nhị Hà chăm sóc cây đậu xanh.Ảnh: Hồng Lâm
Chăn nuôi gia súc cũng là lợi thế của huyện, với tổng đàn trên 138.405 con, trong đó trâu, bò 20.803 con; dê 37.970 con; cừu 75.822 con; heo 3.810 con. Để bảo vệ đàn gia súc trong nắng hạn, cùng với việc tăng cường phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh có thể xảy ra, huyện còn chỉ đạo các địa phương và khuyến cáo người chăn nuôi di dời đàn gia súc đến nơi có nước uống, thức ăn… nhờ đó góp phần giảm thiệt hại. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp dần, thiếu thức ăn dẫn đến tình trạng gia súc chết do suy dinh dưỡng trên địa bàn các xã. Theo thống kê, tính đến giữa tháng 6-2016, toàn huyện có trên 3.850 con gia súc bị chết, trong đó, chủ yếu là dê (845 con), cừu (2.930 con).
Ngoài khó khăn về hạn hán kéo dài, trong sản xuất nông nghiệp còn nổi lên tình hình giá cả vật tư một số mặt hàng phục vụ nông nghiệp liên tục biến động, giá sản phẩm bấp bênh… đã tác động đến hiệu quả sản xuất. Mặt khác, trước áp lực hoành hành El Nino, kết hợp cao điểm mùa khô dẫn đến nguồn nước tầng mặt, tầng ngầm đều cạn kiệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gây bất lợi đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh và một số lĩnh vực khác trên địa bàn huyện; nguy cơ thiếu thức ăn, nước uống cho đàn gia súc dẫn đến tình trạng phát sinh và bùng phát lây lan dịch bệnh là rất cao; nguy cơ cảnh báo thiếu nước sinh hoạt cục bộ ở một số địa phương diễn biến ngày càng phức tạp… Để khắc phục tình trạng nêu trên, huyện đã xác định giải pháp hàng đầu vẫn là cần tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, lượng nước để chỉ đạo sản xuất; trước mắt tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Mùa sớm đối với khu vực chủ động nguồn nước tưới (dự kiến sản xuất 1.967 ha, trong đó cây lúa 1.607 ha; cây ngắn ngày khác như bắp, rau, cỏ, đậu các loại… 360 ha). Đặc biệt, để bảo đảm nước tưới cho cây trồng, huyện đã giao phòng chức năng phối hợp với Trạm Thủy nông, UBND các xã duy trì công tác điều tiết nước theo hướng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả, đảm bảo ưu tiên nước sinh hoạt dân sinh và nước uống gia súc trước, rồi mới đến nưới tưới cho cây trồng; đồng thời tăng thời lượng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhằm chủ động ứng phó với tình hình hạn hán. Về chăn nuôi, vận động người dân dự trữ thức ăn cho gia súc như thu gom rơm và các phụ phẩm nông nghiệp khác, vận động người chăn nuôi di dời đàn gia súc đến những nơi có nước. Ngoài ra cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở các địa phương để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Bằng nhiều nỗ lực của huyện và đồng thuận của người dân, nhất là ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu bằng những cách làm sáng tạo sẽ góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp những vùng có điều kiện, giảm thiệt hại, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.
Mai Dũng