Đánh giá, phân loại của ngành chức năng, các cơ sở giết mổ đều có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, xen kẽ trong khu dân cư tại 27 xã, phường, thị trấn, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y (VSTY), VSMT và sản phẩm sau mổ chưa đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đáng kể nhất là có 33 lò giết mổ chủ yếu ở phường Mỹ Hương, Phủ Hà (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm) và thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) được đầu tư, nâng cấp, nhưng hiện nay điều kiện kết cấu hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện. Đơn cử, lò mổ ở phường Mỹ Hương xuống cấp trầm trọng không còn đáp ứng tiêu chuẩn về VSTY, ATVSTP, do lượng gia súc giết mổ quá lớn; trong khi đó, lò xây dựng từ rất lâu (cách đây 1 thế kỷ), lại nằm trong hàng lang bảo vệ đê Bắc Sông Dinh, nên không được phép sửa chữa, nâng cấp.
Công tác quản lý lĩnh vực giết mổ đang gặp khó do hầu hết các lò, điểm giết mổ hiện nay tồn tại tự phát, không tuân thủ các quy định của pháp luật. Kết quả phân loại có đến 33/70 lò, điểm giết mổ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chiếm 47,1%; 3/70 lò, điểm giết mổ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSTY, chiếm 4,3%; 67 lò còn lại không đạt quy định theo Thông tư 60/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư 61/2010/TT-BNNPTNT ngày 25-10-2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định điều kiện VSTY đối với cơ sở giết mổ lợn và gia súc. Cụ thể, vị trí xây dựng những lò giết mổ trên nằm trong khu dân cư, không có quy trình xử lý nước thải, chất thải và 100% cơ sở chưa có cam kết bảo vệ môi trường; cơ sở vật chất, thiết kế nhà xưởng không đạt tiêu chí.
Hạn chế của các lò giết mổ không theo kịp với yêu cầu phát triển chung đưa đến hệ lụy ảnh hưởng sức khỏe con người vừa làm cho các sản phẩm thịt chế biến nội tỉnh mất khả năng cạnh tranh trên thị trường, vừa ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi bền vững. Anh Nguyễn Văn Thanh, Chủ cơ sở giết mổ gia súc thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), cho biết: Từ năm 2005, gia đình đã chủ động mở rộng cơ sở, xây hầm biogas 700m2, sử dụng hệ thống nước sạch cho hoạt động giết mổ nhằm tạo ra sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, mặt hàng thịt dê của cơ sở đưa vào TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ không ít lần bị Trung tâm Thú y vùng VI “chặn” lại vì chưa được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ATVSTP, gây thiệt hại lớn. Để thịt dê Ninh Thuận vào được những thị trường mới phải sử dụng dây chuyền giết mổ không tiếp đất, nhưng ít doanh nghiệp đủ khả năng tài chính để đầu tư trang bị công nghệ tiên tiến này.
Xác định vấn đề ATVSTP cho người tiêu dùng là quan trọng hàng đầu trong bối cảnh hiện nay, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 665/QĐ-UBND 31-3-2010 về việc phê duyệt Đề án quy hoạch cơ sở giết mổ GS-GC tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015; đồng thời, ban hành một số cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ. Qua 5 năm thực hiện đề án, đến nay cũng chỉ mới dừng lại ở việc chọn địa điểm xây dựng, các bước tiếp theo như giải phóng mặt bằng, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa đạt được như mong muốn. Về địa điểm, Sở Xây dựng thống nhất 4 nơi đủ điều kiện để xây dựng cơ sở giết mổ GS-GC tập trung, gồm: Thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn), xã Phước Nam (Thuận Nam), xã Phước Vinh (Ninh Phước), xã Lợi Hải (Thuận Bắc). Riêng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Hải vẫn chưa tìm được địa điểm phù hợp để xây dựng.
Các địa phương đã chọn được địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ GS-GC tập trung nhưng gặp khó khăn trong triển khai các bước tiếp theo là do vị trí chưa “hấp dẫn” các doanh nghiệp vào đầu tư. Hạ tầng giao thông, điện, nước thiếu đồng bộ là trở ngại lớn khiến cho đề án triển khai chậm so với kế hoạch. Đơn cử, huyện Ninh Phước chọn địa điểm xây dựng tại thôn Phước An (xã Phước Vinh), với diện tích hơn 1,5 ha, thuộc quỹ đất dự phòng của địa phương, tuy không vướng giải tỏa, bồi thường, nhưng thiếu hệ thống nước sạch và hạ tầng lưới điện phục vụ hoạt động giết mổ; đồng thời, huyện chưa có phương án đề xuất kinh phí đầu tư, san lấp mặt bằng trước khi triển khai kêu gọi đầu tư. Vị trí đất trên nằm về phía Tây huyện, giáp với xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) không thuận tiện cho việc vận chuyển GS- GC đến giết mổ cũng như vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ, nên khó thuyết phục nhà đầu tư, những hộ kinh doanh đưa GS-GC đến giết mổ. Các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam… cũng gặp phải những vướng mắc tương tự.
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Đến nay thời gian thực hiện đề án đã hết, nhưng chưa có cơ sở giết mổ GS-GC tập trung nào được xây dựng và đi vào hoạt động là trăn trở lớn. Đơn vị đã tham mưu với UBND tỉnh cho phép điều chỉnh Quyết định số 665/QĐ-UBND kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến năm 2020 phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông-lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh; đồng thời, củng cố Ban chỉ đạo để điều hành, thực hiện đề án có hiệu quả hơn. Khi có sự chấp thuận của UBND tỉnh, việc thực hiện đề án trong thời gian tới theo lộ trình nhất định, trong đó tập trung ưu tiên mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng 2 lò mổ GS-GC tập trung ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Sơn. Để “mở đường” cho doanh nghiệp vào đầu tư, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm dự kiến chọn địa điểm xây dựng tại khu phố 3, phường Mỹ Đông, quy mô 1,2 ha; huyện Ninh Sơn chọn địa điểm ở thị trấn Tân Sơn, quy mô 2 ha, thuộc đất dự phòng của địa phương.
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt vị trí đất, công việc tiếp theo của các địa phương là khẩn trương xây dựng kế hoạch về kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước, giải phóng mặt bằng. Thông báo rộng rãi về chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ GS-GC tập trung đến các tổ chức, cá nhân để họ mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Đối với những địa phương chưa xác định được vị trí đất để xây dựng, thì tiến hành rà soát toàn bộ hoạt động giết mổ trên địa bàn, kiên quyết loại bỏ những điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự phát, không đáp ứng các tiêu chí về ATVSTP và VSMT. Lựa chọn những điểm giết mổ đạt yêu cầu khuyến khích khắc phục, nâng cấp, cải tạo, đầu tư trang thiết bị dây chuyền giết mổ tiên tiến.
Anh Tùng