Tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng

(NTO) Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương lòng của những người mẹ vẫn còn đó khi đã mãi mãi mất đi người chồng, người con thương yêu nhất. Tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) cũng để tỏ lòng biết ơn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” quý báu từ bao đời nay của dân tộc ta.

Chúng tôi đến thăm gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Cộ (ở thôn Mỹ Phong, xã Thanh Hải, Ninh Hải). Trong ngôi nhà tình nghĩa ấm cúng, hai tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng và con trai Mẹ, cùng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng được đặt ngay ngắn, trang nghiêm. Được biết, năm 1960, liệt sĩ Phạm Nghĩa, chồng Mẹ đã hy sinh tại Chiến khu 19. Năm 1972, con trai đầu của Mẹ, liệt sĩ Phạm Văn Chiến cũng đã anh dũng ngã xuống trong một trận chiến đấu ác liệt, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Mẹ Cộ nhớ lại: Ngày tiễn con lên đường, hai mẹ con ôm nhau hẹn sẽ đoàn tụ khi đất nước hòa bình. Nhưng con đã không thể về với Mẹ. Phải chi đừng có chiến tranh thì Mẹ sẽ không mất chồng, mất con. Nhưng mẹ không hối tiếc, vì đã là người Việt Nam thì ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ quê hương của mình, dù phải hy sinh. Giờ đây, ở tuổi 98, sau những mất mát, đau thương, nhưng trong mắt mẹ vẫn rạng ngời niềm hạnh phúc trước sự chăm lo của Đảng và Nhà nước.

 
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Gìn trong niềm vui cùng con cháu.

Trong căn nhà tình nghĩa mới xây dựng khá khang trang ở xã Văn Hải, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, Mẹ VNAH Trần Thị Gìn tiếp chúng tôi với sự xúc động nghẹn ngào. Mẹ bồi hồi nhớ lại: Chồng mẹ, liệt sỹ Nguyễn Giái, sinh 1933, từng tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ tại quê hương Ninh Thuận. Năm 1967, trong lúc ông đang từ căn cứ Cà Đú về làng lấy tin và lương thực thì bị trúng mìn của địch. Biết chồng hy sinh, Mẹ đau như đứt từng khúc ruột, nhưng vì bí mật và còn nuôi con nhỏ nên không dám công khai ra nhận xác chồng. Đêm xuống, được đồng đội và người dân địa phương lén đưa thi thể ông về chôn cất. Sau đó, chúng nó nhiều lần bắt nhốt Mẹ, dùng roi điện, cực hình tra khảo. Bồng con nhỏ chưa đầy 8 tháng tuổi trên tay, mà nén đau không khai lời nào…Hai năm sau, người con trai đầu của mẹ là Nguyễn Mùi, mới 16 tuổi đã tìm đường lên núi theo lực lượng Bộ đội địa phương. Ngày quê hương được giải phóng, Mẹ chờ hoài không thấy con trai trở về. Đồng đội biết con Mẹ đã hy sinh, khi đang làm nhiệm vụ tại Vĩnh Hải vào cuối tháng 3-1975 nhưng sợ Mẹ đau lòng nên không cho biết…

Niềm vui, tự hào lớn nhất đối với Mẹ là tháng 7-2015, Mẹ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH, đồng thời hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa. Công ty CP Xây dựng Ninh Thuận cũng nhận đỡ đầu và phụng dưỡng Mẹ suốt đời… Các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương vẫn thường tới thăm hỏi, động viên mẹ.

Sau hơn 40 năm đất nước giải phóng, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng, góp phần xoa dịu nỗi đau thương, mất mát, giúp các gia đình chính sách, trong đó có Mẹ VNAH. Theo Sở Lao động, Thương Binh và Xã Hội, toàn tỉnh có 440 Mẹ VNAH (16 mẹ còn sống). Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ công bố quyết định truy tặng, phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cao quý cho các Mẹ và thân nhân gia đình, giải quyết các chính sách hỗ trợ một lần và trợ cấp hàng tháng theo quy định. Những Mẹ còn sống đều được các doanh nghiệp, địa phương nhận đỡ đầu, quan tâm chăm sóc phụng dưỡng suốt đời.

Dẫu biết rằng sự hy sinh của các Mẹ không gì bù đắp được nhưng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đã thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công. Đó cũng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau đối với những hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sỹ và những người Mẹ VNAH.