Khởi nghiệp từ máy cày MTZ
Trò chuyện với tỷ phú người dân tộc Chăm, chúng tôi được biết, anh tốt nghiệp khóa I khoa Quản lý kinh tế của Trường Trung cấp Nông nghiệp Thuận Hải, khóa 1979-1981. Sau khi ra trường, anh về quê lập gia đình và khởi nghiệp làm giàu từ chiếc máy cày. Anh kể, nhìn đồng ruộng Phước Nhơn rộng khoảng 250 ha gieo trồng ba vụ lúa chủ động nước tưới từ hệ thống thủy lợi kênh Bắc nhưng chưa có ai mua sắm máy cày. Mỗi vụ, bà con phải thuê máy cày từ Khánh Hòa vào làm đất. Tháng 7-1988, anh mạnh dạn vay Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải 5 triệu đồng và huy động vốn liếng của người thân thêm 10 triệu đồng, ra Khánh Hòa tìm mua máy cày MTZ do cơ sở nuôi khỉ của Tp. Nha Trang hóa giá. Anh Thích là một trong những nông dân đầu tiên ở làng Phước Nhơn mua sắm máy cày MTZ đảm nhận dịch vụ làm đất cho bà con thôn xóm.
Anh Đạo Thanh Thích - Tỷ phú đồng làng Phước Nhơn.
Ngay trong vụ xuống đồng đầu tiên, máy cày của anh Thích chạy hết công suất đảm nhận khâu làm đất giúp nông dân địa phương xuống giống kịp thời vụ. Đồng thời, hợp đồng làm đất cho nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước). Nhìn thấy nhu cầu làm đất bằng thiết bị cơ giới nông nghiệp ngày càng cao, anh Đạo Thanh Thích tiếp tục đầu tư mua sắm thêm chiếc máy cày MTZ thứ hai với giá 12 triệu đồng. Khởi nghiệp từ hai chiếc cày do Liên Xô (cũ) sản xuất qua nhiều năm sử dụng, anh quyết định đổi mới công nghệ chuyển sang sử dụng thiết bị “made in” Nhật Bản. Hiện nay, anh Thích sở hữu 3 máy cày, 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cuộn rơm hiện đại trị giá trên 1 tỷ đồng vừa phục vụ sản xuất gia đình, vừa đảm nhận dịch vụ cơ giới nông nghiệp cho nông dân địa phương.
Đến mô hình trang trại
Anh Đạo Thanh Thích đưa chúng tôi thăm thú mô hình kinh tế trang trại rộng 18ha của gia đình được đầu tư xây dựng căn cơ trên vùng đất Đồng Rẫy. Anh Thích cho biết, đồng đất này do ông bà thân tộc để lại, trước đây canh tác hoa màu ăn nước trời, gieo trồng một vụ bấp bênh. Sau khi làm ăn dành dụm vốn liếng, anh quyết định đầu tư đào mương “dẫn thủy nhập điền” từ hệ thống thủy lợi kênh Bắc vô ao chứa sử dụng môtơ điện chủ động bơm tưới canh tác 3 vụ/năm. Trong đó, có 9ha ruộng lúa áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” gieo các giống TH 6, TH 41 đạt năng suất bình quân 6-7 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt 180 tấn/năm. Chỉ tính riêng phần thu nhập từ ruộng lúa, sau khi trừ hết chi phí sản xuất, anh có lãi khoảng 500 triệu đồng/năm.
Còn lại 8ha trồng hoa màu và 1ha trồng cỏ bổ sung nguồn thức ăn xanh cho 250 con cừu và 65 con bò. Để bảo đảm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trên 300 con, anh Thích đã xây dựng căn nhà tiền chế rộng 120m2 làm nơi chứa 2.500 cuộn rơm, khoảng 40 tấn. Nhờ nguồn rơm rạ từ ruộng lúa gia đình và thu mua thêm, sử dụng máy cuộn rơm chở về trang trại. Anh áp dụng phương pháp ủ rơm lên men vi sinh cung cấp thức ăn cho gia súc theo mô hình bán thâm canh. Đầu tháng 6-2016, nông dân Đạo Thanh Thích được mời đi cùng đoàn công tác của đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vào huyện Bắc Bình (Bình Thuận) tham quan trang trại chăn nuôi bò công nghệ cao. Anh dự tính đầu năm 2017 sẽ đầu tư vốn liếng mua con giống, xây dựng chuồng trại, lắp đặt thiết bị tiên tiến áp dụng mô hình chăn nuôi bò công nghệ cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đồng thời, chuyển 8ha đất gò trồng hoa màu sang trồng cỏ bảo đảm chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc nuôi theo mô hình thâm canh tiên tiến.
Mô hình trang trại sản xuất-kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao của anh Đạo Thanh Thích cho thu nhập lãi ròng trên 900 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động có thu nhập ổn định 4 triệu đồng/tháng. Đồng thời, anh sẵn lòng giúp vốn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất giúp 18 hộ khó khăn có điều kiện làm ăn vươn lên ổn định cuộc sống. Anh tích cực tham gia ủng hộ Quỹ Khuyến học, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Sơn Ngọc