(NTO) Tôi có đứa cháu vừa xong lớp 1, đang hí hửng chào đón mùa hè của năm học đầu tiên. Thế nhưng mới vui chơi được có mấy ngày thì “chương trình thư giãn, giải trí” của cháu đến đây là… chấm dứt, bởi lịch “nghỉ” hè của cháu đã được bà mẹ lấp đầy bằng các lớp học thêm mà mới nghe đã thấy ngợp! Thi thoảng, qua lời chúng bạn cùng lớp học thêm kể, cháu đòi đi chơi nơi này, chốn nọ cho biết, thì bị mẹ nạt: “Cứ lo mà học đi, sau này lớn lên, khi làm ra tiền rồi, thì cứ… tha hồ chơi, con nhé”!
Các em học sinh vui chơi trong kỳ nghỉ hè 2016. Ảnh: Sơn Ngọc
Hàng xóm tôi có chừng mươi hộ, trong đó hai hộ có thu nhập khá, còn lại là dân lao động, ăn bữa nay lo bữa mai… Không biết học lực của các cháu láng giềng ra sao, chứ hầu như nhà nào cũng cho con em mình đi học thêm, không môn này thì cũng môn khác, cũng xoay quanh mấy môn “thời thượng” như: Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh. Lịch học khá kín, vì vậy các gia đình phải chi khá bộn tiền cho mỗi cháu học thêm. Mới nhớ lại thời của mình, khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước, chúng tôi không phải học thêm, nhưng chất lượng học tập giai đoạn phổ thông có kém chi so với bây giờ. Cái lứa chúng tôi vẫn đậu “rầm rầm” vào các trường đại học “bề thế” trong nước hay thi vào các trường “danh giá” ở nước ngoài đều đạt điểm số cao và chất lượng học tập trong suốt quá trình ở đại học vẫn được đánh giá rất tốt, chưa nói đến đạt những vị trí “có cỡ”!
Hiện nay, những ai quan tâm đến sự nghiệp “trồng người” ở nước ta đều có chung nhận định, việc học thêm phổ biến một số môn, lâu nay không hề làm cho chất lượng giáo dục được cải thiện; nó chỉ cho thấy chất lượng dạy chính khóa bị giảm sút, nếu học sinh không học thêm thì không bù đắp được kiến thức, làm bài kiểm tra và thi không tốt… Như vậy là cái cách học thêm ở nước ta hiện nay không chỉ gây tốn kém cho gia đình, mà còn ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa học hành-nghỉ ngơi, sự phát triển toàn diện trí-lực của các cháu… và đôi khi làm xấu đi hình ảnh kính yêu, mô phạm của thầy, cô giáo trong mắt học trò và phụ huynh. Bởi trò đã đi học thêm rồi thì sẽ được điểm khá, được lên lớp, dẫn đến tâm lý ỷ lại, vô lo của trò và gia đình vì có nơi “chống lưng”(?!)… Từ nhận định trên, chúng ta thử tìm giải pháp: Đối với các em yếu, kém một số môn cơ bản thì nhà trường tập trung phụ đạo miễn phí, để giúp các em đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, thu hẹp khoảng cách đối với các em khá giỏi. Còn các em học sinh khá, giỏi, có năng khiếu các môn, nhà trường tổ chức chương trình bồi dưỡng, thông qua lớp chuyên, lớp năng khiếu để các em rèn luyện nâng cao kiến thức của mình hầu vươn tới hành trình tiếp theo!
Rõ ràng, chúng ta không nên phá vỡ sự công bằng trong thụ hưởng giáo dục, thiệt thòi cho con em các gia đình có kinh tế khó khăn, cũng như phải làm sao để việc thụ hưởng các chính sách giáo dục không bị chênh lệch giữa các vùng miền… Với mong muốn cuối cùng là chúng ta cố gắng sắp xếp, điều chỉnh để học sinh phổ thông hạn chế học thêm tràn lan trong khi các cháu (và gia đình) không biết mình học cái gì và học để làm gì, tốn kém tiền của và công sức mà hiệu quả chưa chắc tốt hơn!
Minh Sĩ