CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Chống dạy thêm, học thêm được không?

(NTO) Những năm gần đây, vấn đề dạy thêm, học thêm luôn được dư luận quan tâm với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong đó, rất nhiều ý kiến không đồng tình với việc dạy thêm, học thêm nhằm đưa việc học đi vào thực chất với những “con điểm” đúng với kiến thức thật của học sinh ở từng môn học mà không phải “ảo” nhờ…học thêm như thực tế diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Vấn đề đặt ra là liệu có “cấm” được không?.

Anh bạn tôi là giáo viên dạy ở Trường THPT môn xã hội. Tuy phản đối mạnh việc dạy thêm nhưng lại thiếu “dũng cảm” để cho con ở nhà tự học, cha mẹ phụ đạo kiến thức, bởi như anh “lý giải”: Dạy con mình khó hơn dạy con người khác, dù con anh mới học đến lớp 7!. Thực ra nếu xét về chiều sâu, nói thì cứng nhưng vẫn ngại con mình không theo kịp kiến thức với bạn nếu không học thêm.

Các em học sinh Trường THPT Lê Duẩn (Ninh Sơn) học nhóm củng cố kiến thức. Ảnh: Sơn Ngọc

Điều này cũng xuất phát từ kinh nghiệm qua thực tế giảng dạy của anh là việc phân bổ nội dung chương trình học trên lớp thường “quá tải” so với tiết học nên học sinh khó có thể tự vận dụng và rút ra các điểm kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để làm bài từ nội dung sách giáo khoa. Cho nên việc học sinh phải học thêm là điều tất yếu và đây là nhu cầu có thật của phụ huynh và học sinh, mặt dù học thêm cũng để lại nhiều hậu quả như học sinh không còn thời gian tự học, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, tăng gánh nặng về kinh tế gia đình…

Thực ra, khách quan mà nói trong tình hình học sinh học tập và thi cử như hiện nay thì việc học thêm của học sinh là cần thiết để ôn luyện, mở rộng và nâng cao kiến thức từ truyền đạt của giáo viên. Mặt khác, ngoài giờ dạy học trên trường giáo viên dạy thêm tại nhà cũng là lao động chính đáng khi lương giáo viên không đủ trang trải nhu cầu của cuộc sống. Ngoài ra, việc dạy thêm cũng sẽ giúp giáo viên tập trung nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu của học sinh. Hơn nữa nếu học sinh được học ngay chính giáo viên đang trực tiếp dạy thì giáo viên sẽ biết được học sinh đó yếu ở điểm nào sẽ phụ đạo dạy cho các em ở điểm đó chứ không đơn giản chỉ giải đề thi…Do vậy, theo một số ý kiến của phụ huynh và giáo viên là cần cho phép dạy thêm nhưng phải có cách quản lý cho phù hợp. Đồng thời muốn chấm dứt hoàn toàn tình trạng dạy thêm, học thêm thì cần phải đổi mới giáo dục một cách đồng bộ như thay đổi nội dung chương trình học, đánh giá thi cử... Đặc biệt, phải quan tâm đến đời sống của thầy cô giáo. Nhiều giáo viên chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng chỉ cần có thu nhập tương xứng và sống được bằng lương, có điều kiện tái tạo sức lao động… thì sẽ sống hết mình với nghề, sẽ tạo ra những tiết giảng hay nhất, hiệu quả nhất. Khi đó, học sinh sẽ không cần học thêm và giáo viên cũng chẳng muốn dạy thêm làm gì!.

Một nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng: Để giảm tình trạng dạy thêm, học thêm thì cần phải có giải pháp căn cơ lâu dài, có nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, phù hợp với tình hình mới, nhất là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Bên cạnh những giải pháp là giảm tải chương trình, đổi mới đánh giá học sinh, đổi mới thi cử, chú trọng tự học, và tăng thu nhập của giáo viên, cần có thêm chính sách và những quy định của Nhà nước về vấn đề này. Những chính sách, quy định này phải hướng đến con người, phải phát triển con người, coi trọng sự phát triển năng lực phẩm chất học sinh, nhưng cần coi trọng, trân trọng những đóng góp thầm lặng của thầy cô, nhà trường, chứ không chỉ nhìn nhận vấn đề chủ yếu theo hướng tiêu cực... Thiết nghĩ nên xem đây là “đáp án” cho bài toán chống dạy thêm, học thêm chăng!.