Trại giam Sông Cái: Xã hội hóa công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân

(NTO) Việc giáo dục, cảm hóa phạm nhân là hoạt động có tính chất đặc thù rất rõ nét vì đối tượng là những người phạm tội. Chính sách, pháp luật về hình sự ở nước ta từ trước đến nay trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam “Thương người như thể thương thân”.

Quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục VIII (Bộ Công an) cùng sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương, trong những năm qua, Trại giam Sông Cái đã thực hiện nhiều giải pháp mang tính xã hội hóa công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân.

Từ năm 2012 đến cuối tháng 6-2016, với số lượng phạm nhân vào Trại trên 4.000, Trại đã tổ chức 120 lớp chuyên đề giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống, đạt tỷ lệ 100% số phạm nhân vào trại; 30 lớp giáo dục pháp luật có liên quan đến thi hành án hình sự cho trên 3.900 phạm nhân đang chấp hành án và 30 lớp giáo dục pháp luật liên quan đến Bộ luật Dân sự, Luật Cư trú và tình hình thời sự về kinh tế-xã hội cho trên 2.900 phạm nhân sắp chấp hành xong hình phạt tù (tỷ lệ giáo dục pháp luật cho phạm nhân đang chấp hành án và sắp chấp hành xong hình phạt tù đạt trên 150%)...

Thực hiện chương trình phối hợp liên tịch với Hội Liên hiệp Thanh niên và Công an tỉnh Ninh Thuận về công tác giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2012-2015 với những hoạt động hướng nghiệp dạy nghề, giao lưu văn hóa-thể thao; tổ chức tháng chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân... Những hoạt động này đã góp phần đáng kể động viên phạm nhân trong độ tuổi thanh niên có điều kiện tiếp cận với xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của thanh niên.

 
Sơ kết cuộc phát động phạm nhân viết thư "Gửi lời xin lỗi" (năm 2014).

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao cho phạm nhân. Theo đó, đã phát động các cuộc thi vẽ tranh với 71 tác phẩm; viết tự truyện với 35 tác phẩm và hàng trăm bức thư “gửi lời xin lỗi” có nội dung sâu sắc, giúp phạm nhân hướng thiện và có niềm tin vào cuộc sống. Nhiều đợt giao lưu thi đấu bóng chuyền, bóng đá, cầu lông... đã tạo nên không khí thân thiện giữa phạm nhân và cán bộ quản lý Trại với gia đình và các tổ chức đoàn thể xã hội. Đây là một sân chơi mang tính xã hội hóa có ý nghĩa trực quan và thiết thực.

Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục về truyền thống đạo lý con người Việt Nam; cao điểm là hàng năm nhân ngày Gia đình Việt Nam (28-6) đã tổ chức Hội nghị giao lưu, tiếp xúc... Sự lan tỏa, hiệu quả giáo dục từ “mái ấm và tình thương gia đình” không những chỉ đối với những phạm nhân, mà còn ảnh hưởng đến tình cảm của cán bộ, chiến sỹ Trại giam Sông Cái cùng với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương...

Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái cùng với chính quyền địa phương mở 14 lớp xóa mù cho 398 phạm nhân; 2 lớp phổ cập tiểu học cho 12 phạm nhân vị thành niên; 30 lớp dạy nghề cho 2.923 phạm nhân, với tổng kinh phí trên 863 triệu đồng; khám, cấp phát thuốc cho 128.341 lượt phạm nhân. Việc quản lý, tổ chức lao động, sản xuất và sử dụng thu nhập từ nguồn này ngoài việc nộp ngân sách nhà nước, đã chi 15% vào quỹ phúc lợi, trị giá trên 2,1 tỷ đồng; trích 16% cho phạm nhân để ăn thêm và khen thưởng, trị giá trên 2,3 tỷ đồng và trích 10% quỹ hòa nhập cộng đồng, trị giá gần 700 triệu đồng...

Thực hiện Văn bản thỏa thuận số 2255/TTHT ngày 5-9-2012 giữa Tổng cục VIII (Bộ Công an) và Hội Luật gia Việt Nam, Trại giam Sông Cái đã cùng Hội Luật gia và Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch số 108/KH-CA-TGSC-HLGNT ngày 30-11-2012 (được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 7-1-2013). Đã tổ chức 11 đợt gồm 22 lớp học về kiến thức pháp luật cho hơn 2.000 phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù; tổ chức 9 lượt tư vấn pháp luật cho gần 300 phạm nhân; phối hợp tổ chức khảo sát tình hình tái hòa nhập cộng đồng ở 3 đơn vị cấp xã và đã vận động 2 đợt ủng hộ 135 suất quà với tổng số tiền 43.500.000 đồng tặng các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng tiến bộ có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với những hoạt động mang tính điển hình xã hội hóa công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân như trên, Trại giam Sông Cái còn có những hình thức nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân như hướng dẫn cho Ban Tự quản phạm nhân xây dựng kế hoạch hoạt động hàng tuần, hàng tháng, quý; tổ chức nhiều hội thi, hội trại; thực hiện chế độ, chính sách thăm, gặp gia đình phạm nhân; quan tâm và thực hiện tốt công tác tiếp nhận trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo của phạm nhân; xây dựng văn hóa ứng xử giữa cán bộ với phạm nhân và gia đình phạm nhân để tạo ấn tượng thân thiện về người cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân trong lòng phạm nhân và gia đình phạm nhân. Từ đó, trong giai đoạn 2012-2016, số phạm nhân được bình xét xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân xếp loại kém luôn giảm theo từng năm và so với giai đoạn trước năm 2011 đã giảm 17,9%; số người tái hòa nhập cộng đồng thuộc Trại giam Sông Cái tái phạm tội đã giảm 0,9% so với trước đây.

Vẫn còn những hạn chế nhất định trong quá trình xã hội hóa công tác cảm hóa, giáo dục phạm nhân, nhưng kết quả đạt được của Trại giam Sông Cái trong giai đoạn 2012-2016 rất đáng được ghi nhận. Với sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các bên liên tịch, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực vươn lên của tập thể cán bộ, chiến sỹ Trại giam Sông Cái, cùng với ý thức, trách nhiệm hướng thiện của phạm nhân, tin rằng hiệu quả xã hội hóa công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân của Trại giam Sông Cái trong thời gian tới sẽ tiến bộ, hiệu quả và thân thiện hơn...