Hải sản khô và nỗi lo an toàn thực phẩm

(NTO) Hải sản khô bao gồm: cá khô, mực khô, tôm khô… là thực phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn làm thức ăn dự trữ của gia đình. Tuy ngon miệng nhưng ít ai biết sản phẩm mình mua có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không?

Mất an toàn ngay từ khâu chế biến…

Với hơn chục hộ sản xuất, phường Đông Hải và Mỹ Đông (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) là địa chỉ được nhiều người tìm đến thu mua các loại hải sản khô. Hơn 20 năm làm nghề chế biến cá khô, ông Nguyễn Huệ (khu phố 9, phường Mỹ Đông) chia sẻ: Tôi thường mua cá ở những xe đông lạnh tại Cảng cá Đông Hải. Trung bình mỗi ngày thu mua khoảng 2-3 tạ cá từ thương lái do không bán được hoặc đánh bắt lâu ngày. Với giá thu mua từ 7-8 ngàn/kg, “nguyên liệu” để chế biến cá khô khá đa dạng với nhiều loại cá như: cá nhám, cá nhồng, cá ngân, cá đuối, cá nục… Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết số cá được thu mua không còn tươi nguyên, nằm chất đống đang trong quá trình phân hủy. Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ cá, hầu hết các chủ cơ sở chế biến đều không biết. Công đoạn xử lý ruột, bỏ đầu, đánh vảy cá… được thực hiện ngay trên sàn với những vũng nước đọng đen sì, ruồi bu đen. Sau khi làm xong, số cá được rửa sơ, rồi đem ngâm tẩm gia vị. Để thuận tiện, người dân “tận dụng” bờ kè, đường bê-tông, sân bãi… để phơi cá. Xung quanh khu vực phơi cá là những vũng nước đọng, rác thải sinh hoạt…

 
Những liếp cá được phơi bên cạnh bờ kè mất vệ sinh.

Cùng với Đoàn thanh tra Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra đột xuất tại cơ sở chế biến cá khô của hộ ông Nguyễn Huệ. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực phơi cá có mùi thuốc trừ sâu. Một số chủ sản xuất cá khô phường Đông Hải chia sẻ “bí quyết” bảo quản cá hiệu quả nhất là sử dụng thuốc chống dòi. Theo đó, các chủ cơ sở chế biến pha loãng thuốc trừ sâu đổ xung quanh khu vực rửa cá để tránh dòi. Ông Ngô Thế Sơn, Phó phòng Thanh tra Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm- thủy sản, cho biết: Trước mắt, chúng tôi sẽ thanh, kiểm tra toàn bộ những cơ sở chế biến hải sản khô toàn tỉnh. Đối với những mẫu cá có dấu hiệu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ gửi mẫu kiểm tra và có biện pháp xử lý.

… Đến khâu tiêu thụ

Trong vai một người mua cá khô, mực khô, chúng tôi đến một số chợ để tìm hiểu. Tại chợ Dư Khánh (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải), có khoảng 10 quầy chuyên bán các loại hải sản khô. Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các mặt hàng hải sản khô được bày bán dọc theo lề đường ẩm thấp, nhiều người qua lại, không bao bì, nhãn mác, không ghi rõ ngày sản xuất hay hạn sử dụng. Mặt khác, đa số các mặt hàng hải sản khô được cung cấp bởi các hộ ven biển không đăng ký kinh doanh hay kiểm định chất lượng. Theo Nghị định số 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đối với mặt hàng hải sản khô đã được đóng gói sẵn và dán nhãn hàng hóa thiếu các thông tin như: ngày sản xuất, hạn sử dụng… thì sẽ xử phạt 150.000-300.000 đồng hoặc thu hồi sản phẩm. Mặc dù vậy, nhiều người tiêu dùng hầu như thờ ơ với những thông tin sản phẩm. Chị Lê Thị Liên (phường Mỹ Bình, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) chia sẻ: “Nhà tôi rất thích ăn cá khô nhưng ít khi quan tâm đến hạn sử dụng vì nghĩ hàng khô thì dùng bao lâu cũng được, chỉ khi bị mốc, ướt… mới vứt đi”. Với cách nghĩ như chị Liên nên nhiều người tiêu dùng chẳng quan tâm đến chất lượng, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm mặt hàng hải sản khô.

Ở chợ Thanh Sơn, chợ Phan Rang (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm)…, các mặt hàng hải sản khô được “vô tư” bày bán ngày này qua ngày khác mà không cần có nhãn mác hay bất cứ thông tin nào về sản phẩm.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc điều tra một cách toàn diện; đồng thời, cần hướng dẫn, khuyến cáo ngư dân, chủ cơ sở chế biến và bảo quản hải sản theo quy trình khoa học; thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.