Nỗ lực đóng góp vào phát triển chung của tỉnh

(NTO) Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất và giải quyết công việc với công dân, tổ chức, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu được giao, góp phần quan trọng vào phát triển chung của tỉnh.

Một trong những kết quả nổi bật là công tác quản lý đất đai. Ngoài nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả công tác tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực đất đai như tham mưu ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 30-9-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Trình UBND tỉnh Phê duyệt đề cương - dự toán, kế hoạch đấu thầu thực hiện điều chỉnh quy họach sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp tỉnh... Kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất tại khu vực hạ lưu sông Biêu, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, ngành còn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức rà soát, kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh xử lý kịp thời, triệt để đối với các dự án đã giao đất nhưng chưa triển khai, triển khai chậm tiến độ. Đến nay, đã tổ chức kiểm tra tại 58 dự án được giao đất, cho thuê đất và đã ban hành 31 thông báo vi phạm tiến độ đầu tư.

 
Văn phòng một cửa Tp. Phan Rang-Tháp Chàm tạo thuận lợi cho các tổ chức, công dân
trong giải quyết hồ sơ nói chung và lĩnh vực đất đai nói riêng. Ảnh: Mai Dũng

Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngành đã cấp cho 37 tổ chức, với tổng diện tích 41,073 ha. Giao đất, cho thuê đất 25 tổ chức, với tổng diện tích 102,864 ha, ký cấp đổi, cấp lại 3.429 giấy chứng nhận cho tổ chức và công dân. Bên cạnh đó, ngành đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án trọng điểm, đặc biệt giải quyết các khiếu nại dự án BOT, Quốc lộ 1A, K1, K2… Công tác quản lý khoáng sản đã có những chuyển biến đáng kể. Từ đầu năm đến nay, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 27-10-2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động đào ao, cải tạo đất có thu hồi khoáng sản trên địa bàn các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Phước và Thuận Nam; việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản đối với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát xây dựng dọc Sông Dinh, thuộc huyện Ninh Phước (9 doanh nghiệp/10 mỏ). Kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến đá xây dựng tại Cụm mỏ đá Lạc Tiến; hoạt động khai thác đá khối granite tại gộp đá Gia Tó của Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản Ninh Thuận. Kiểm tra hoạt động khai thác trái phép theo phản ánh của người dân tại các khu vực Từ Thiện và núi Chà Bang (Thuận Nam); khu vực Sông Dinh và Núi Ngỗng (Ninh Sơn); khu vực xã Phước Trung (Bác Ái) và suối Đồng Nha (Thuận Bắc). Kiểm tra ranh giới khai thác mỏ cát Lương Cang 1 và mỏ cát Hiệp Hòa 1 theo phản ánh của cử tri... Điểm mới trong lĩnh vực này là ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về đấu giá thí điểm quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh và tổ chức đấu giá thí điểm 2 mỏ cát xây dựng lòng sông vào ngày 23-6-2016 vừa qua. Có thể nói, cách làm này góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý môi trường cũng được quan tâm đúng mức. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được tăng cường, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, các điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giám sát chặt chẽ các điều kiện về môi trường đối với các dự án đầu tư. Cụ thể là, cùng với việc tham mưu cho UBND tỉnh về Kế hoạch hành động về phát triển cây xanh đô thị bằng phương thức xã hội hóa năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn; Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Thuận năm 2017; Kế hoạch, chính sách hỗ trợ di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, đô thị ra khu, cụm công nghiệp, các khu sản xuất tập trung; Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh… Ngành còn triển khai thực hiện tốt Đề án “Tổ chức và hoạt động của tổ cộng đồng tự quản về giám sát hoạt động xả thải vào môi trường tại các khu vực sản xuất tập trung có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”, đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động của 7 Tổ cộng đồng giám sát hoạt động xả thải vào môi trường (các xã Phước Minh, Cà Ná, Mỹ Sơn; các phường Đô Vinh, Văn Hải, Thành Hải và thị trấn Khánh Hải) và thành lập mới 1 Tổ cộng đồng tại khu vực núi Cô Lô (xã Công Hải)…

 
Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thi tìm hiểu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lần thứ 4-2016.
Trong ảnh:  Phần thi tiểu phẩm của liên Chi bộ Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên & Môi trường và Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên - môi trường.

Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được ngành chú trọng thực hiện. Trong 6 tháng qua, toàn ngành tiếp nhận 235 đơn, trong số này có 196 đơn khiếu nại; 35 đơn kiến nghị, phản ánh; 3 đơn tranh chấp và 1 đơn tố cáo. Theo đó, đã giải quyết và tham mưu xử lý 225 đơn (khiếu nại 195 đơn; tranh chấp 3 đơn; phản ánh, kiến nghị 27 đơn), hiện đang tiếp tục tham mưu giải quyết 2 đơn (khiếu nại 1 đơn, tố cáo 1 đơn). Nhờ giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý từng vụ việc đã đem lại quyền lợi chính đáng cho công dân nói chung, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa phương.

Công tác cải cách hành chính được ngành đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Cụ thể như đã tham mưu UBND tỉnh Quyết định công bố Bộ thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; Quyết định công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung về lĩnh vực tài nguyên nước thuộc thẩm quyền giải quyết tại Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó có 4 thủ tục rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc tiếp nhận và giao trả hồ sơ theo quy trình “một cửa” tại Sở và thực hiện các báo cáo kịp thời. Giải quyết hồ sơ thực hiện các thủ tục hành chính đảm bảo 100% đúng hẹn và trước hẹn, phấn đấu trong năm 2016 không có hồ sơ trễ hẹn…

Phát huy những kết quả đạt được, từ nay đến cuối năm, theo lãnh đạo ngành cho biết, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp “đột phá”, đặc biệt tăng cường thực hiện công tác phối hợp trong thực thi công vụ với các cơ quan có liên quan; xây dựng và nhân rộng các mô hình mới phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên môi trường. Tăng cường tổ chức đối thoại với với cán bộ, Nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn cấp huyện nhằm giải quyết những vướng mắc tại cơ sở về các quy định pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đặc biệt là phần mềm theo dõi và quản lý văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành giải quyết có thời hạn, để chỉ đạo việc thực hiện kịp thời, không để tồn đọng… Hy vọng rằng với quyết tâm cao, toàn ngành sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả những tháng cuối năm nói riêng, năm 2016 nói chung.