Vấn đề hôm nay:

Cần có những “đột phá” trong cải cách thủ tục hành chính!

(NTO) Những năm qua, Cải cách hành chính nói chung, Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng luôn được tỉnh ta xác định là khâu “đột phá”, nhất là trong việc cải thiện môi trường đầu tư và vị thế cạnh tranh của tỉnh… nên đặc biệt quan tâm chỉ đạo bằng các Chương trình, kế hoạch thực hiện từ tỉnh đến cơ sở và đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc kiểm soát TTHC được duy trì ổn định; Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết TTHC, qua đó tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân khi đến quan hệ công việc một cách nhanh chóng, giảm số lần đi lại; việc nộp hồ sơ và nhận kết quả được thực hiện tại một đầu mối… Mặt khác, các TTHC, thời gian giải quyết và phí, lệ phí được niêm yết công khai rõ ràng, đầy đủ, giúp cho tổ chức, công dân hiểu rõ các thủ tục cần thiết và hồ sơ cần phải thực hiện, đồng thời cũng tạo điều kiện để giám sát được các cơ quan và công chức nhà nước trong quá trình thực thi công vụ…

 
Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ninh Hải hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp GCNQSDĐ. Ảnh: Mai Dũng

Theo thống kê từ năm 2011 đến nay, thực hiện đơn giản hóa TTHC toàn tỉnh đã rà soát và công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành và địa phương với tổng số 1.171 TTHC, trong đó có 1.007 TTHC “một cửa” và 164 TTHC “một cửa liên thông”.

Từ kết quả này không những rút ngắn được thời gian giải quyết, giảm thiểu chi phí đi lại cho tổ chức, cá nhân mà còn giúp cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuận lợi trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết TTHC của công chức, viên chức… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nổi lên một số hạn chế như một số sở, ngành chưa quan tâm đúng mức và còn chậm tiến hành rà soát để tham mưu UBND tỉnh ban hành sửa đổi, bổ sung quy định giải quyết TTHC hoặc trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố. Công tác phối hợp giữa cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ còn chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Cơ sở vật chất tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng so với yêu cầu…

Vấn đề đặt ra hiện nay là để tiếp tục thực hiện đạt kết quả cao trong Cải cách TTHC, tạo niềm tin cho tổ chức, công dân đối với các cơ quan công quyền… thiết nghĩ trước tiên cần nhận rõ những hạn chế để khắc phục, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát TTHC ở các cấp, nhất là kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC theo quy định của pháp luật gắn với đơn giản hóa TTHC hằng năm đối với các sở, ban, ngành thuộc tỉnh. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết TTHC đối với người dân, doanh nghiệp; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây bất bình hoặc thiếu trách nhiệm dẫn đến tình trạng trễ hẹn, tồn đọng hồ sơ khi giải quyết công việc cho tổ chức, công dân...

Một khi trách nhiệm công vụ được đề cao trên tinh thần “trọng dân, gần dân, đặt lợi ích người dân lên trên hết” thì sẽ mang đến sự hài lòng cho người dân nói chung. Không gì khác, chính sự hài lòng này được xem là kết quả cao nhất của cải cách TTHC vậy!.