Xây dựng gia đình văn hóa thời kỳ hội nhập

(NTO) Nhận thức được vai trò vô cùng quan trọng trong công tác gia đình, thời gian qua, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” (GĐVH) được tỉnh ta triển khai và phát triển sâu rộng. Với những nội dung thiết thực, gắn với lợi ích và nguyện vọng của Nhân dân, phong trào đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân ngày càng thêm phong phú, lành mạnh.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã tích cực xây dựng GĐVH theo các tiêu chí cụ thể: “Ấm no, hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ”, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Hằng năm, Ban chỉ đạo phong trào từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên chỉ đạo việc tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào xây dựng GĐVH: Thông qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, các hoạt động văn nghệ, các phương tiện thông tin đại chúng, với phương thức “mưa dầm thấm lâu”, quan tâm động viên, tạo mọi điều kiện cho các hộ gia đình phấn đấu đạt GĐVH, làm cho cuộc vận động đến với từng người, từng nhà và dần dần trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.

 
Đội Ninh Thuận tham gia thi nấu ăn trong ngày Hội gia đình. Ảnh: V.M

Các ngành, đoàn thể đã có sự phối hợp, tích cực vận động xây dựng các phong trào, tiêu biểu như: Hội Nông dân với phong trào “Xây dựng gia đình nông dân văn hóa”; phong trào có “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình tiến bộ và hạnh phúc” của Hội Phụ nữ; ngành Giáo dục có phong trào “Xây dựng trường học văn hóa; xây dựng môi trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Từ kết quả thực hiện phong trào GĐVH trong thời gian qua, đã xuất hiện nhiều gương gia đình tiêu biểu về sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, dòng họ không có tội phạm, gia đình hiếu học, gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan, gia đình thể thao…, làm động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa đô thị, nông thôn, đã hình thành được những nếp sống văn hóa tốt đẹp, thấm đậm tình làng, nghĩa xóm, quan hệ gia đình có nhiều tiến bộ. Tổng kết năm 2015, toàn tỉnh có 153.698 hộ gia đình, trong đó 89,3% hộ gia đình đạt danh hiệu GĐVH, tăng 3,1% so với năm 2014.

Đồng chí Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác gia đình đã chú trọng đến việc bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Để phát huy những giá trị ấy, thời gian đến, các cơ quan, đoàn thể, địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực gia đình đến với từng nhà và với mọi người dân; đồng thời, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, các GĐVH điển hình tiên tiến và phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống gia đình. Thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, động viên nhau, chú trọng các biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng GĐVH và nội dung các tiêu chí công nhận danh hiệu GĐVH, tránh xu hướng chạy theo thành tích, phản ánh không thực chất phong trào và chất lượng GĐVH.