Theo ghi nhận của phóng viên, khác với các kỳ thi trước, kỳ thi năm nay, các TS đến địa điểm thi sớm hơn. Nhiều phụ huynh cho biết, đưa con em đến địa điểm thi sớm hơn nhằm tránh những sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng đến giờ giấc thi của các TS. Do có sự chủ động về thời gian, hầu hết TS đến đúng giờ theo quy định. Thời tiết trong 3 ngày thi rất thuận lợi, tạo cho TS tâm lý thoải mái hơn khi đi thi.
Ngày 3-7, có mặt tại điểm Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn-một trong 5 điểm thi thuộc cụm thi Đại học, kết thúc môn Địa lý, nhiều TS ra khỏi phòng thi khá sớm với tâm trạng thoải mái, tự tin. Em Nguyễn Cát Rốt, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, dự thi khối C, chia sẻ: Đề thi môn Địa lý năm nay tương đối dễ, mà lại khá hay. Đặc biệt, câu IV phân tích và chứng minh về tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, những TS thường xuyên theo dõi thời sự, tìm hiểu thông tin về khoa học, tình hình sản xuất nông nghiệp sẽ dễ dàng đạt điểm cao. Em khá yên tâm với bài làm của mình. Nếu kết quả tốt, em sẽ xét tuyển vào Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
Thí sinh trao đổi bài làm môn Hóa học tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An.Ảnh: Sơn Ngọc
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Chu Văn An, nhìn nhận: Xét về tổng quan, đề thi môn Địa lý năm nay vừa tầm với học sinh, đề bám sát chương trình phổ thông và mang tính thời sự cao. Đề có 4 câu, các câu I, II và III tương đối dễ; các em nắm vững lý thuyết đều có thể làm tốt. Phần vẽ biểu đồ, đề chỉ định dạng biểu đồ rõ ràng, không đánh đố học sinh. Với những học sinh năng lực học tập trung bình có thể làm bài đạt điểm 6, điểm 7 nếu biết khai thác tốt kiến thức từ Atlat Địa lý Việt Nam. Tính thời sự thể hiện ở câu quá trình đô thị hóa ở nước ta (ý 2, câu I) và tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ý 2, câu IV). Các câu hỏi này nhằm phân hóa học sinh; yêu cầu phân tích, chứng minh bằng kiến thức thực tế thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông.
Không riêng gì môn Địa lý, những môn thi trước đó như: Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn, Vật Lý…, qua trao đổi với các giáo viên coi thi, hầu hết đều nhận xét, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vừa sử dụng để xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng, do đó đề thi có tính phân hóa cao. Đề ra có sự phân hóa với khoảng 50% kiến thức cơ bản và 50% kiến thức nâng cao, nên hầu hết TS có thể hoàn thành được phần thi của mình theo mục đích xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD&ĐT, nhìn chung trong 3 ngày thi đều diễn ra an toàn, nghiêm túc. Đặc biệt, sự có mặt của lực lượng Công an, Thanh tra giao thông và các tình nguyện viên trong tham gia điều tiết giao thông đã góp phần đảm bảo an toàn cho TS. Tại các điểm thi, để phục vụ phụ huynh trong lúc chờ đợi con, Tỉnh đoàn đã thực hiện một số chương trình phát báo miễn phí, tư vấn giới thiệu một số dịch vụ được triển khai.
Phó Giáo sư. Tiến sỹ Đồng Văn Hướng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Nhờ được tạo mọi điều kiện tốt nhất nên hầu hết đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường đều hoàn thành tốt nhiệm vụ coi thi. Qua 3 ngày thi, không có TS hay cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.
Đồng chí Lương Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Do chủ động làm tốt công tác tổ chức nên 3 ngày thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Các điểm thi thực hiện tốt việc đảm bảo về an ninh trật tự. Cán bộ coi thi thực hiện nghiêm các quy định nên không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Trong 3 ngày thi, các đoàn của lãnh đạo UBND tỉnh, đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT, Ban Chỉ đạo kỳ thi tỉnh cũng đã đi kiểm tra công tác tổ chức thi tại một số điểm thi trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, tại các điểm thi đều diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, tình hình an ninh trật tự ổn định.
Trong 3 ngày thi (tính đến ngày 3-7), toàn tỉnh có 258 TS vắng thi.
Nhóm PV