(NTO) Ngày 1-7 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh kế hoạch thời gian năm học. Văn bản nêu rõ, thời gian qua một số cơ sở giáo dục vẫn tổ chức cho học sinh tựu trường sớm, tổ chức dạy thêm - học thêm sai quy định ngay sau khi năm học 2015-2016 vừa kết thúc. Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở phối hợp các cơ quan thực hiện kiểm tra kế hoạch năm học tới. Hướng dẫn tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh trong kỳ nghỉ hè đúng quy định, đảm bảo phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh về dạy thêm - học thêm, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm các đơn vị chỉ đạo, thực hiện tựu trường trái quy định cũng như tổ chức dạy thêm học thêm...
Hoạt động vui chơi mùa hè của học sinh Trường Tiểu học Mỹ Hương, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Ảnh: Sơn Ngọc
Thực ra, đã có nhiều văn bản quy định không được dạy thêm – học thêm đã được ban hành từ Bộ GD&ĐT đến các địa phương, tuy nhiên kết quả thực hiện không đạt như mong muốn, bởi giáo viên có nhiều cách “đối phó” và hơn thế nữa là đã có sự “đồng thuận”, thậm chí là rất cao của phụ huynh học sinh trong việc cho con em học thêm, nếu không muốn nói là khuyến khích!.
Cân phân mà nói, trong những năm qua việc dạy thêm - học thêm đã đáp ứng nhu cầu và nâng cao trình độ học sinh, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập cho giáo viên... Tuy nhiên trên thực tế, việc dạy thêm - học thêm đã phát sinh những vấn đề bất cập, như giáo viên dạy trên lớp thì theo giáo trình, dạy ở nhà thì nâng cao buộc học sinh phải đi học thêm mới đủ kiến thức để làm bài kiểm tra, bài thi… tạo nên tâm lý chỉ thực sự yên tâm khi cho học thêm trong số đông phụ huynh và học sinh. Mặt khác, không ít các bậc phụ huynh thường coi trọng vấn đề thi cử, quá ảo tưởng, kỳ vọng về con em mình, dẫn đến việc tạo áp lực cho con. Học sinh bị nhồi nhét kiến thức mà họ không hiểu được các em tiếp thu ở mức độ nào. Bên cạnh đó, công tác quản lý dạy thêm – học thêm chưa chặt chẽ như chưa quản lý đầy đủ chương trình và mức thu học phí của việc dạy thêm – học thêm; không công bằng đối với các học sinh không có điều kiện đi học hoặc việc dạy thêm – học thêm tạo gánh nặng về chi phí của các bậc phụ huynh… Do vậy cần có biện pháp chấn chỉnh để đưa việc dạy thêm - học thêm về đúng quỹ đạo và bản chất nhân văn của nó.
Để khắc phục bất cập nêu trên cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và của tỉnh về cấm việc dạy thêm - học thêm tại nhà của giáo viên; cần tăng cường quản lý, kiểm soát giờ giấc học tập của học sinh, đảm bảo thời gian dành cho học tập là hợp lý, tạo điều kiện cho các em có quỹ thời gian vui chơi, giải trí để có thể tiếp thu nhiều kỹ năng sống khác ngoài học tập… Có như vậy, hy vọng việc dạy thêm – học thêm không còn là nỗi lo của học sinh và cả phụ huynh như hiện nay.
Vấn đề cũng không ít người quan tâm là đừng để quy định thì dễ, thực hiện mới khó về dạy thêm – học thêm như đã “tồn tại” lâu nay.
H.H