Theo đó, giai đoạn 2016 – 2017 và định hướng đến năm 2020, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm góp phần cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng, trong đó, tập trung vào hỗ trợ nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia, mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ ngân hàng, cải thiện và minh bạch hệ thống thông tin tín dụng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với Ngân hàng Nhà nước...
Ảnh minh họa
Để thực hiện các mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Giải pháp nhằm góp phần nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia; Giải pháp nhằm nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế; Giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế thông qua lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng; Giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, minh bạch hóa thông tin tín dụng…
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra trong từng thời kỳ, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường ngoại hối và vàng để có những giải pháp quản lý kịp thời, hiệu quả khi thị trường có biến động. Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động triển khai, hoàn thiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động ngoại hối trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận các lợi ích kinh tế từ các hoạt động này của các tổ chức, cá nhân góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống TCTD
Ngân hàng Nhà nước xác định để nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, cần thiết phải lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải tăng cường năng lực tài chính bảo đảm đủ vốn tự có theo chuẩn mực Basel II; đổi mới và phát triển hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quản trị ngân hàng hiện đại, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả của các hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 nhằm cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là nợ xấu của tổ chức tín dụng yếu kém; phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ theo chuẩn mực phân loại nợ của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước…
Nguồn www.chinhphu.vn