Kinh tế thế giới chưa thể tăng tốc

Các tổ chức quốc tế (Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế…) liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Tăng trưởng chậm xảy ra ở cả nhóm nước phát triển và đang phát triển, cả các nền kinh tế hàng đầu và các nền kinh tế nhỏ.

Trong quý I/2016, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 2,7%; tăng trưởng của Nhóm G20 đạt 0,7%.

Kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi tích cực, song tăng trưởng chậm lại. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục lùi việc nâng lãi suất lần 2 trong năm 2016. Kinh tế Liên minh châu Âu (EU) có dấu hiệu cải thiện nhưng còn gặp khó khăn, thất nghiệp cao, sức mua và đầu tư thấp, tăng trưởng tín dụng yếu, nguy cơ giảm phát; phải dành nhiều nguồn lực đối phó với làn sóng nhập cư, nguy cơ khủng bố… Nhật Bản chưa ra khỏi trì trệ, tiêu dùng tư nhân yếu, xuất khẩu giảm, đầu tư và tiết kiệm gặp nhiều khó khăn.

Kinh tế Trung Quốc cơ bản ổn định nhờ các biện pháp kích thích kinh tế và nới lỏng tín dụng, nhiều khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2016. Thách thức lớn đối với Trung Quốc là giữ được cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế- tài chính trong quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Các nền kinh tế đang nổi trong nửa đầu năm 2016 có dấu hiệu cải thiện và ổn định hơn. Dòng vốn vào các nền kinh tế đang nổi đã tăng trở lại. Giá trị nội tệ của nhiều nước đang phục hồi tích cực. Tính đến đầu tháng 6/2016, đồng rupiah của Indonesia đã tăng 5,8% so với cuối năm 2015, đồng ruble của Nga tăng 12% và đồng real của Brazil tăng 17,4%...

Thương mại toàn cầu phục hồi chậm

Thương mại toàn cầu phục hồi chậm chủ yếu do nhu cầu và sức mua yếu cả ở nhóm nước phát triển và một số nền kinh tế đang nổi; tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc dẫn đến sụt giảm xuất nhập khẩu nhiều hàng hóa cơ bản; các nước xuất khẩu dầu-năng lượng suy giảm tăng trưởng, sức mua do giá dầu giảm; giá hàng hóa cơ bản chưa phục hồi. Năm 2016, dự báo thương mại toàn cầu tiếp tục tăng trưởng dưới 3%.

Theo Tổ chức Cảnh báo thương mại toàn cầu (GTA), tính đến tháng 5/2016, có khoảng 96 nước/vùng lãnh thổ đã tăng thuế quan, 83 nước áp dụng thuế xuất khẩu mới, 74 nước sử dụng các biện pháp hỗ trợ của nhà nước và 72 nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó những ngành chịu nhiều tác động nhất là nông nghiệp, dệt may, khoáng sản và thực phẩm.

Theo Báo cáo đầu tư toàn cầu năm 2016 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI quốc tế sẽ giảm mạnh 10-15% trong năm 2016. Trong 4 tháng đầu năm 2016, đầu tư qua hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) trên toàn cầu đạt 350 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2015.

Nguồn www.chinhphu.vn