(NTO) Anh bạn tôi công tác ở một cơ quan hành chính nhà nước, có 2 con đã tốt nghiệp đại học, đứa lớn theo học ngành văn hóa, đứa nhỏ học ngành quản trị kinh doanh. Bạn bè đều khen như thế là quá viên mãn, mấy ai bì được!. Vài người bạn khác học hành với nhau từ thuở thiếu thời nhưng do “trắc trở” đành nghỉ học khi xong chương trình phổ thông nhưng lại luôn tâm niệm là sẽ cho con cái học hành đến nơi, đến chốn để “bù” lại việc học hành dang dở của mình. Vậy là các con của bạn tôi đều được gia đình đầu tư cho việc học đến nơi, đến chốn, ít nhất cũng xong đại học dù rằng cha mẹ chỉ là nông dân “chính hiệu”...
Học viên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh mong muốn có việc làm sau khi ra trường. Ảnh: Sơn Ngọc
Chuyện lo cho con cái học tập vốn là “thiên chức” của các bậc làm cha, làm mẹ nên rất đỗi... bình thường, thế nhưng chuyện “không” bình thường lại là sau khi ra trường có tìm được việc làm hay không!. Thực tế, có nhiều chuyện nghe mà “cười ra nước mắt”!. Ví như anh bạn công chức của tôi, đứa con đầu ra trường loay hoay mãi vài ba năm vẫn không xin được việc làm, mà theo anh là vào cơ quan nhà nước cho... yên tâm dù lương có thấp. Thế nên anh động viên cho con tiếp tục học lên cao học để khả dĩ tìm việc dễ hơn!.
Thấm thoát thời gian hơn 2 năm học xong, mang tấm bằng thạc sĩ về “trình” cho cha mẹ. Mừng đó nhưng cũng lo đó. Mà lo thật, vì đến nay cũng đã hơn năm nhưng con anh vẫn loay hoay... thất nghiệp, đành theo bạn bè làm nghề tay trái để kiếm sống!. Khổ nhất là đứa con gái út, cử nhân quản trị kinh doanh hẳn hoi nhưng rất khó tìm việc bởi nhu cầu việc làm... đã đủ. Tôi nửa đùa nửa thật khuyên anh nên dồn hết vốn liếng mở cho cháu doanh nghiệp để làm giám đốc cho xong!. Mấy ông bạn nhà nông của tôi cũng chẳng khác gì hơn. Có nơi cần tuyển trình độ đại học thì lại học không đúng nghề, cần trình độ thạc sĩ thì mới qua đại học... Chẳng khác nào cuộc “đuổi bắt” không cân sức giữa yêu cầu tuyển dụng với bằng cấp. Lại có doanh nghiệp tuyển kế toán trưởng nhưng đòi hỏi phải có kinh nghiệm ít nhất 3 năm thì lại không đáp ứng được dù cũng học xong kế toán...
Thế mới biết, giữa việc đầu tư cho con học với nhu cầu việc làm của xã hội thường chưa được các gia đình chú ý nên nghe nói con thi đại học là mừng mà không tư vấn, định hướng... học ngành gì, nghề gì, cấp học nào cho phù hợp với nhu cầu việc làm của xã hội, để khi ra trường là được tiếp nhận ngay. Hậu quả thất nghiệp này cũng có một phần của nhà trường trong việc hướng nghiệp cho học sinh, vừa phù hợp sở thích nhưng phải “đồng hành” với nhu cầu công việc trong tương lai của xã hội. Tuy đã có những trường hợp khởi nghiệp thành công “nhờ” làm trái ngành học nhưng không quá dễ dàng, mà đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn.
Để tránh lãng phí nguồn nhân lực được đào tạo căn cơ, bài bản từ các trường đại học, trên đại học, ngay từ khởi đầu, các gia đình cần nắm bắt đầy đủ thông tin về diễn biến thị trường lao động để có sự phán đoán đúng nhằm định hướng cho con chọn nghề, chọn ngành phù hợp. Đừng vì chạy theo “phong trào” đại học mà dẫn đến hậu quả “học” nhưng không được “hành” đúng ngành, với kết cục hoặc thất nghiệp hoặc phải làm các nghề lao động giản đơn thay vì mang kiến thức đã học để phục vụ sự phát triển của xã hội và nuôi sống chính mình...
TD