Chưa đến 8 giờ sáng, chợ Thanh Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đã đông đúc, tấp nập. Là chợ cấp 2, nằm ngay trung tâm thành phố nên hàng ngày, chợ Thanh Sơn thu hút hàng ngàn lượt khách hàng là người dân địa phương và các vùng lân cận đến mua bán. Tuy nhiên, điều kiện vệ sinh môi trường ở chợ lại không được bảo đảm. Tại khu vực bán hàng thủy-hải sản, nước ngâm hải sản được các thiểu thương đổ trực tiếp xuống nền chợ, khiến mặt nền luôn ẩm ướt.
Mặt hàng hải sản được các tiểu thương bày bán dưới đất tại chợ Tuấn Tú.
Theo quy định, hàng thủy-hải sản phải được bày bán trên giá/kệ, cách mặt đất ít nhất 60cm, nhưng nhiều tiểu thương lại bày bán ngay dưới nền, chỉ được lót bằng tấm ni-lông mỏng. Việc sơ chế cá cho khách hàng lại được thực hiện ngay tại chỗ, tạo thành hỗn hợp nước đọng, đen xì, bốc mùi hôi. Chị Đẩu, một tiểu thương, cho biết: “Mình bán với số lượng ít nên không đóng kệ, mất công dọn ra, dọn vô nặng nề, cứ trải ni-lông bán cho tiện. Miễn sao cá tươi là đông người mua. Hàng ngày đóng lệ phí đầy đủ là được!”. Không chỉ riêng hàng cá, mà các mặt hàng khác như trái cây, hàng thịt gia súc, gia cầm, thậm chí các hàng bán thức ăn đã nấu chín, qua chế biến như chả cá, bắp luộc… vốn là những mặt hàng rất dễ bị nhiễm khuẩn cũng được bày bán ngay dưới đất hoặc chỉ được kê lên một chiếc kệ nhỏ, không được đậy để tránh bụi bặm, ruồi nhặng. Ngoài ra, ở hai bên chợ vốn là đường đi lại của người dân, tuy nhiên lâu nay đã trở thành khu vực mua bán tự phát của cả trăm hộ tiểu thương, đủ các gian hàng từ thực phẩm tươi sống cho đến thức ăn như bún, phở, bánh ướt… bày bán xen kẽ, không được quy hoạch, sắp xếp gọn gàng, quy củ, vừa lộn lộn, vừa mất vệ sinh.
Chợ Phan Rang là chợ cấp I, nhưng điều kiện vệ sinh cũng không khả quan hơn. Đáng nói hơn cả là khu vực kinh doanh ăn uống được bố trí cạnh đường dân sinh, xe máy qua lại, bụi bặm mất vệ sinh; ngoài ra còn nằm sát khu vực bán hàng thủy-hải sản, chỉ được ngăn bằng một bức tường. Nước thải hôi thối của hàng cá xông lên nồng nặc. Việc thực hiện các quy định ATVSTP cũng chưa được các quầy kinh doanh ăn uống thực hiện tốt. Qua quan sát, nhiều hàng quán không có sọt đựng rác nên giấy ăn được khách hàng vứt ngay trên nền chợ; nước rửa chén và các dụng cụ sơ chế thực phẩm cũng không đảm bảo; thức ăn sống, chín còn để gần nhau…
Không chỉ ở đô thị, tình trạng mất ATVSTP tại các chợ nông thôn lại càng phức tạp hơn. Tại chợ Tuấn Tú (xã An Hải, Ninh Phước), hầu hết các mặt hàng tươi sống như cá, thịt đều được bày bán dưới nền chợ. Rác thải, bao ni-lông vứt bừa bãi, vương vãi khắp nơi. Trong khi đó, tại các hàng ăn uống, thức ăn không hề được đậy kín, ruồi “vô tư” đậu… Điều đáng nói là dù mất vệ sinh nhưng người dân vẫn cứ ăn uống bình thường.
Hay như tại chợ Quảng Sơn (xã Quảng Sơn, Ninh Sơn), ngay trước hàng thịt luôn đọng nước, bẩn thỉu do nước thải, rác thải từ hàng cá chảy xuống. Chị Mộng Thị Ngọc Hồng, tiểu thương bán thịt heo tại chợ, chia sẻ: Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm nay, chị em tiểu thương thường xuyên kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nhất là những ngày trời mưa, trước dãy hàng của chúng tôi chẳng khác nào mương nước thải, hôi thối không chịu được, ảnh hưởng cả người mua lẫn người bán.
Trao đổi với các Ban quản lý chợ, chúng tôi được biết, hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng nhiều năm trước, mặc dù đã được nâng cấp, sửa chữa nhưng một số hạng mục công trình, nhất là hệ thống thoát nước thải không đáp ứng được yêu cầu, cộng với việc các tiểu thương, đặc biệt ở các gian hàng thủy-hải sản thiếu ý thức cứ đổ nước, xả rác trực tiếp xuống nền chợ, dẫn đến tình trạng ngập úng, mất vệ sinh như đã phản ánh. Ngoài ra, công tác đảm bảo ATVSTP chưa được các Ban quản lý chợ, các ngành chức năng quản lý chặt chẽ nên tình trạng vi phạm về ATVSTP diễn ra hết sức phổ biến; đó là chưa kể đến các chợ cóc, chợ tạm, chất lượng thực phẩm hầu như nằm ngoài kiểm soát, vì các chợ này giao cho các xã, phường quản lý.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, mất ATVSTP, ngoài việc nâng cấp, bảo đảm kết cấu hạ tầng, điều kiện hoạt động cho các chợ, các địa phương, ngành, cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền, phổ biến và mở các lớp tập huấn về ATVSTP cho các tiểu thương; đồng thời, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm siết chặt hơn công tác quản lý, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Uyên Thu