Vi phạm nhiều, xử phạt ít
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, các cấp, ngành chức năng đã tiến hành 155 đợt thanh tra, kiểm tra trên 4.400 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, qua đó phát hiện 774 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính trên 250 triệu đồng. Trong đó chủ yếu là ngành Y tế, với 148 đợt thanh tra, kiểm tra hơn 4.300 cơ sở, phát hiện 765 cơ sở vi phạm, phạt tiền trên 180 triệu đồng. Ông Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Đối với các trường hợp vi phạm thuộc ngành Y tế quản lý, việc xử phạt chủ yếu do cấp tỉnh thực hiện; số trường hợp vi phạm do cấp huyện, xã xử phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thời gian qua, chỉ có 2 huyện: Thuận Bắc xử phạt 1 cơ sở và Ninh Hải xử phạt 7 cơ sở, với tổng số tiền trên 6,8 triệu đồng.
Đoàn thanh tra liên ngành thanh tra, kiểm tra VSATTP tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống.
Điển hình như tại Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, là địa phương tập trung nhiều cơ sở sản xuất, dịch vụ kinh doanh, chế biến thực phẩm nhất trong tỉnh, số cơ sở vi phạm nhiều. Tuy nhiên, những năm qua, chính quyền địa phương chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào. Theo báo cáo của UBND thành phố, hiện toàn thành phố có trên 2.300 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó hơn 1.120 cơ sở thuộc loại hình dịch vụ kinh doanh thức ăn đường phố. Chỉ riêng trong Tháng hành động vì ATVSTP năm 2016, thành phố đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra 716 cơ sở, phát hiện 93 trường hợp vi phạm, chủ yếu vào các nội dung: không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, nhân viên trực tiếp chế biến, phục vụ, chủ cơ sở không có giấy xác nhận kiến thức ATVSTP, trang thiết bị dụng cụ chế biến, cơ sở vật chất không đảm bảo vệ sinh... Hình thức xử lý chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, yêu cầu khắc phục sai phạm.
Hay như huyện Ninh Sơn, trong Tháng hành động vì ATVSTP, địa phương đã thanh tra, kiểm tra 44 cơ sở, hộ kinh doanh nhỏ lẻ; test nhanh 25 mẩu thực phẩm, qua đó phát hiện 8 cơ sở, 2 hộ kinh doanh vi phạm, 2 mẩu thực phẩm dương tính với hàn the…, tuy nhiên không có trường hợp nào bị xử phạt.
Thiếu cương quyết, nhiều vướng mắc…
Giải thích về những tồn tại, khó khăn trong việc xử phạt hành chính về ATVSTP trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng Phòng Y tế thành phố cho biết: Việc thực hiện các biện pháp chế tài xử phạt hành chính rất khó khăn. Trong năm 2015, do thành phố chưa có sự thống nhất về việc phân cấp cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong diện bắt buộc, nên trong thời gian này, không có cơ sở nào được cấp giấy chứng nhận. Vì vậy, không thể xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm do không có giấy chứng nhận ATVSTP.
Việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố lại càng khó khăn hơn. Bởi lẽ hầu hết các cơ sở, hộ kinh doanh chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, một số có hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường hợp “nay đây mai đó”, rất khó quản lý. Mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm được cho là khá cao so với điều kiện kinh tế của nhiều cơ sở, các hộ. Đơn cử như chỉ cần người chế biến thức ăn dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; hoặc chủ cơ sở bày bán thức ăn mà không có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, ngăn côn trùng và động vật gây hại… thì có thể bị xử phạt với khung xử phạt từ 300.000-500.000 đồng. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở vi phạm đều một lúc mắc nhiều lỗi, cộng chung lại phải chịu phạt số tiền lớn. Chính vì vậy, khi bị phát hiện vi phạm, các cơ sở, người buôn bán đều “xuống nước năn nỉ”, trình bày hoàn cảnh, hứa khắc phục, không tái phạm; đoàn thanh tra lại chưa quyết liệt, dứt khoát, chỉ lập biên bản, nhắc nhở, mà không tham mưu với chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt. Đây là thực trạng chung ở tất cả các địa phương, qua đó vô tình tạo tâm lý chủ quan, xem thường pháp luật, thiếu ý thức của các chủ cơ sở trong viêc thực hiện quy định bảo đảm ATVSTP .
Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan còn có một số nguyên nhân khách quan. Điển hình như trong quá trình thanh tra, kiểm tra, đoàn lấy mẫu thực phẩm làm test nhanh. Trong trường hợp phát hiện mẩu thực phẩm dương tính với hóa chất hoặc nhiễm vi sinh, kết quả này cũng chỉ mang tính định lượng, chưa đủ cơ sở để xử phạt (trừ phát hiện các hóa chất nằm ngoài danh mục sử dụng trong thực phẩm). Đoàn phải đưa mẩu thực phẫm đi kiểm nghiệm, nếu kết quả các chất vượt ngưỡng cho phép, cơ quan chức năng mới có sơ sở đưa ra quyết định xử phạt. Điều đáng nói đó là sau khi test nhanh phát hiện mẩu thực phẩm có kết quả dương tính với hóa chất, đoàn thanh tra lại “không dám” niêm phong toàn bộ sản phẩm được lấy mẩu, nhất là đối với các thực phẩm dễ bị phân hủy như thịt, rau, củ, quả… bởi thời gian để có được kết quả kiểm nghiệm ít nhất cũng phải mất 7 ngày, nếu kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm có lượng hóa chất nằm trong ngưỡng cho phép thì đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ giá trị số sản phẩm bị niêm phong nếu bị hư hỏng. Chính vì vậy, thực tế có rất nhiều trường hợp, sau khi kiểm nghiệm cho kết quả mẩu sản phẩm có tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép, khi đoàn kiểm tra trở lại để thông báo kết quả, niêm phong, tiêu hủy thì số sản phẩm này đã được cơ sở tiêu thụ ra thị trường, hoặc còn nhưng với số lượng rất ít. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác như đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra mỏng, một số yếu về chuyên môn nên không thể kiểm soát, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm; kinh phí, trang thiết bị cho hoạt động kiểm tra ATVSTP còn hạn hẹp; các cơ sở dùng các mánh khóe qua mặt cơ quan chức năng, khi bị phát hiện, thông báo hình thức xử phạt còn có hành vi chống đối…
Tại cuộc họp đánh giá công tác đảm bảo ATVSTP 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh vừa qua, đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, áp dụng các biện pháp chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, thực hiện tốt Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 9-5-2016, của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSTP. Chính vì vậy, thời gian tới các cấp, các ngành cần mạnh tay, quyết liệt hơn nữa trong việc xử phạt. Ngoài ra, các cấp, ngành cũng cần linh hoạt đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý sản phẩm được lấy mẩu test nhanh dương tính với hóa chất, vi sinh cũng như một số khó khăn như đã nêu trên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thanh tra trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần siết chặt công tác quản lý về ATVSTP, bảo vệ người tiêu dùng, chăm lo sức khỏe Nhân dân.
HỎI - ĐÁP VỀ ATVSTP
Chị Nguyễn Thị Thủy, ở khu phố 8, phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) hỏi: Xin cho biết các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (TĂĐP) cần thực hiện các biện pháp nào để bảo đảm VSATTP trong kinh doanh TĂĐP ?.
Trả lời: Nói chung, để bảo đảm VSATTP trong kinh doanh TĂĐP, các cơ sở cần thực hiện các hiện pháp sau:
- Nơi kinh doanh phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm…
- Bày bán thức ăn trên bàn/giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm
- Thức ăn được che đậy, bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi, bụi bẩn, mưa nắng và các loại côn trùng, động vật khác.
- Không để lẫn thực phẩm sống và thức ăn chín nhằm tránh ô nhiễm chéo.
- Có dụng cụ gắp, xúc thực phẩm sạch sẽ/găng tay sử dụng 1 lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín.
- Bảo đảm có đủ nước và nước đá sạch phù hợp với quy định.
- Đun kỹ thức ăn ở nhiệt độ thích hợp.
- Bảo quản thức ăn ở nhiệt độ thích hợp sau khi được chế biến.
- Người kinh doanh TĂĐP phải được khám sức khỏe. Người kinh doanh TĂĐP nhiễm bệnh thì phải dừng làm việc và không được tiếp xúc thực phẩm.
- Người kinh doanh TĂĐP phải được xác nhận kiến thức về ATTP.
- Có sổ sách ghi chép nguồn gốc thực phẩm.
- Có đủ dụng cụ, túi đựng chất thải, rác thải kín và hợp vệ sinh.
Chi cục ATVSTP tỉnh
Uyên Thu