(NTO) Những năm gần đây, điều dễ nhận thấy là cùng với phát triển kinh tế, nhịp sống xã hội cũng trở nên nhộn nhịp, nhanh hơn nhất là trong giới trẻ. Một trong những “biểu hiện” đó là bếp ăn gia đình không còn thường xuyên “đỏ lửa”, thay vào đó là đến các hàng, quán để ăn uống. Một số người cho rằng, tuy không được ngon bằng chính tay mình nấu nướng nhưng bù lại cũng có nhiều tiện ích: không mất thời gian đi chợ, vào bếp, dọn dẹp… và dành thời gian này để nghỉ ngơi cho lại sức sau những căng thẳng trong công việc. Thế nhưng “mặt trái” của “loại hình” ăn nhanh này cũng lắm điều cần nói, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm và cả vệ sinh môi trường.
Chỉ nói riêng khía cạnh vệ sinh, “ấn tượng” đầu tiên là… bẩn. Nếu có dịp đến các hàng, quán ăn từ bình dân đến… kha khá thì điểm chung dễ nhận thấy là thực khách dùng giấy lau đũa, muỗng, chén… xong cứ vô tư ném xuống đất mặc dù bên cạnh có giỏ rác hẳn hoi. Thói quen này không chỉ đối với “giới” bình dân mà ngay cả giới “cổ cồn trắng”, nam thanh, nữ tú cũng vô tư bạ đâu bỏ đó.
Cho nên, chỉ cần nhìn xuống chân là thấy đầy những giấy lau và những thứ không ăn được cứ vứt đầy. Gặp người kỹ tính chắc là sẽ quay lưng tìm quán khác, “may” thay số này rất ít nên quán nào cũng đông khách, có người còn khuyên:- Đừng nhìn xuống chân mà hãy nhìn người ăn, ai sao ta vậy!. Đó là chưa kể đến hàng cơm, hàng phở, bánh canh… bày bán ngay sát lề đường, xe qua lại không chỉ bụi bặm mà thậm chí rác thải chưa dọn sạch, nước thải đọng thành vũng dưới chân bàn ăn vậy mà thực khách vẫn… vô tư ăn ngon lành… Còn nhiều và nhiều điều “mục sở thị” khó kể hết được. Duy điều chúng tôi muốn nói đó là việc thay đổi thói quen trong sinh hoạt không dễ, như chuyện xả rác xuống đất thay vì “thêm” động tác bỏ rác vào giỏ cho hợp vệ sinh chung thì hay biết bao nhiêu. Hay như thói quen “ăn to nói lớn” thường thấy ở quán café, quán nhậu… thay vì nói chuyện đủ nghe thì ngược lại làm như chung quanh chẳng có ai không bằng. Một thói quen khác là… khạc nhổ ngoài đường, nơi công cộng. Người viết đã từng lãnh… hậu quả này khi đi trên đường. Thay vì nói lời xin lỗi thì điều nhận được là sự dửng dưng như không có gì xảy ra.
Chuyện tưởng là nhỏ như không ít người nghĩ về những thói quen nêu trên, nhưng thực tế lại không nhỏ chút nào. Bởi nếu như tự thân mỗi người không sửa sẽ tạo nên hình ảnh không đẹp nhất là đối với du khách, trước mắt chính là sức khỏe và vệ sinh môi trường… Nên chăng cũng cần có quy tắc ứng xử tại các hàng, quán để nhắc nhở thực khách giữ gìn vệ sinh chung và tránh những hành vi tự nhiên quá mức vậy!.
HH