Vấn đề hôm nay:

Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng!

(NTO) Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phong trào thi đua yêu nước, Người khẳng định: Thi đua yêu nước là vấn đề cốt lõi để kháng chiến thành công và xây dựng đất nước phát triển. Chủ trương toàn dân thi đua, toàn diện thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên và thu hút hàng triệu người, trong tất cả các ngành, các cấp, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, làm cho phong trào thi đua của Nhân dân ta đạt hiệu quả cao cả về số lượng và chất lượng và mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng bằng khen cho các tập thể
có thành tích xuất sắc qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: Văn Miên

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Người chỉ rõ: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho con người tiến bộ. Thi đua làm cho đoàn kết chặt chẽ thêm”. Từ đó đến nay, cách mạng Việt Nam đã phát động và tổ chức thực hiện thắng lợi rất nhiều phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta vượt qua khó khăn, thách thức, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đối với tỉnh ta, xác định rõ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, hàng năm UBND tỉnh phát động các phong trào thi đua yêu nước trên nhiều lĩnh vực; triển khai sâu rộng, đổi mới nội dung, hình thức phát động, tiêu chí thi đua, bám sát thực tiễn, gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị... Hưởng ứng phong trào thi đua do UBND tỉnh phát động, các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; tạo khí thế thi đua sôi nổi và chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần động viên, khích lệ, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Điều cũng đáng ghi nhận là công tác xây dựng và phát động các phong trào thi đua có nhiều đổi mới, tăng cường được vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân nên đã đem lại hiệu quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội, tiêu biểu là các phong trào thi đua: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Dân vận khéo”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...Có thể nói, các phong trào này luôn hiện hữu, gắn mật thiết với cuộc sống và quyền lợi của người dân, nên đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia…Từ những phong trào thi đua xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc, các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được Nhân dân ghi nhận; được Đảng, Nhà nước và các cấp tặng thưởng nhiều danh hiệu và hình thức khen thưởng xứng đáng…

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, công tác thi đua vẫn còn những hạn chế nhất định như không ít nơi công tác thi đua vẫn còn mang tính hình thức; có nơi việc khen thưởng còn chưa kịp thời. Bác Hồ từng dạy: Khâu rất quan trọng trong tổ chức thi đua là công tác khen thưởng. Công tác khen thưởng đòi hỏi phải khen thưởng đúng việc, đúng người, khen người tốt, việc tốt, sẽ góp phần tạo ra khí thế thi đua trong sáng, lành mạnh, có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng. Người được khen thưởng thấy mình xứng đáng, được tôn vinh, là tấm gương cho người khác học tập noi theo, người chưa đạt, chưa được khen thưởng thì cố gắng, tiếp tục phấn đấu vươn lên… Từ thực tế trên, đòi hỏi công tác thi đua, khen thưởng ngày càng phải được đổi mới mạnh mẽ, thực chất, góp phần thiết thực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể trước mắt cũng như lâu dài của từng cơ quan, đơn vị. Mặt khác, vấn đề cũng cần quan tâm là việc khen thưởng không chỉ đảm bảo kịp thời, đúng người, đúng việc mà còn phải xứng đáng: người xứng đáng, việc xứng đáng và phần thưởng cũng cần xứng đáng, công bằng với sự cống hiến của các tập thể, cá nhân...

Qua 68 năm kể từ ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phong trào thi đua và công tác khen thưởng tuy trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng giá trị triết lý về thi đua ái quốc mà Bác Hồ kính yêu để lại cho chúng ta vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa vô cùng to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.