Hiệu quả từ nhiều mặt
Những năm qua, hệ thống trường MN công lập trên địa bàn tỉnh ta ngày càng phát triển, quy mô trường lớp được đầu tư mở rộng, song bài toán quá tải vẫn chưa thể giải quyết một cách triệt để do số trẻ luôn tăng đều hằng năm. Nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là cho phép, khuyến khích thành lập trường, nhóm lớp MNNCL nên đã giải quyết được một phần nhu cầu của người dân, mở ra lời giải cho bài toán quá tải trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Tính đến nay, toàn tỉnh có 184 cơ sở giáo dục MNNCL, bao gồm 17 trường và 167 nhóm, lớp, với 312 phòng học và 566 công trình phụ trợ, đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi của 7.738 trẻ, chiếm tỷ lệ 33,9% tổng số trẻ ra lớp của tỉnh. Nhìn chung, cơ sở vật chất trường, nhóm lớp MNNCL đảm bảo an toàn trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, góp phần cùng hệ thống giáo dục công lập phát triển bậc học MN tỉnh nhà…
Không chỉ góp phần giảm tải cho các trường MN công lập, sự phát triển của loại hình MNNCL còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đến nay, số lao động làm việc ở loại hình này có 772 người. Thu nhập của giáo viên, nhân viên có nhiều cải thiện so với trước. Ngoài tiền lương, người lao động ở một số trường, nhóm lớp MNNCL được hưởng các quyền lợi khác như được đi thăm quan, hỗ trợ khen thưởng nhân các ngày lễ, tết, may đồng phục, tạo điều kiện học tập và nâng chuẩn chuyên môn…
Giờ sinh hoạt của các cháu Trường Mầm non Ánh Sáng (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm).
Những khó khăn, bất cập
Việc hình thành và phát triển của loại hình MNNCL những năm qua đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy vậy, trong quá trình phát triển, loại hình này vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập như: Phát triển thiếu bền vững; một số lớp MN độc lập, nhóm trẻ gia đình có cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu, số đơn vị chưa đủ điều kiện cấp phép còn nhiều (68 nhóm, lớp); đội ngũ giáo viên chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao (32%); công tác quản lý nhà nước của một số xã, phường, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chưa chặt chẽ, thường xuyên; cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở MNNCL có thâm niên chưa được xét tặng danh hiệu thi đua hằng năm và các danh hiệu cao quý khác do Nhà nước phong tặng… Đặc biệt, mức lương chi trả cho người lao động tại các cơ sở MNNCL tuy có tăng song vẫn còn thấp, số giáo viên được tham gia BHXH, BHYT chỉ đạt 40%, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, chưa tạo được sự ổn định cho đội ngũ giáo viên trong việc bám trường, bám lớp.
Chia sẻ những khó khăn trong việc phát triển giáo dục MNNCL, bà Huỳnh Thị Thành, Chủ nhóm lớp Mầm non Anh Thư (Ninh Hải), cho rằng: Hoạt động của các trường, nhóm lớp MNNCL dựa trên nguyên tắc tự cân đối thu chi. Nếu thu học phí cao thì phụ huynh e ngại khi đưa con đến học, còn thu thấp thì không đủ chi. Bởi vậy, với mức thu của nhóm lớp là 500.000 đồng/cháu/tháng như hiện nay, trừ tiền ăn mỗi cháu 10.000 đồng/ngày, với số tiền còn lại, nhóm lớp chỉ đủ kinh phí trả lương cho giáo viên, chi trả các khoản điện, nước…, còn việc hỗ trợ giáo viên đóng BHXH, BHYT là rất khó bởi tình hình tài chính hạn hẹp và cơ sở không được hỗ trợ từ Nhà nước như các trường công lập. Cùng quan điểm này, ông Bùi Đăng Oánh, Chủ Trường Mầm non Bình Minh (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), chia sẻ: Với mục tiêu giữ chân giáo viên làm việc lâu dài, chúng tôi đã ký hợp đồng lao động và đóng BHXH, BHYT cho giáo viên. Tuy vậy, tình trạng “nhảy” việc của giáo viên MNNCL xảy ra khá nhiều. Nếu tìm được việc làm tốt hơn, họ sẵn sàng nghỉ việc khi chưa hết hợp đồng lao động, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của cơ sở.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình MNNCL, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, tỉnh nói chung và các huyện, thành phố nói riêng cần có thêm những chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Các chủ trường, nhóm lớp MNNCL cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Nhà nước và của ngành GD&ĐT về các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; các đơn vị chưa được cấp phép hoạt động sớm bổ sung các điều kiện, hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục để được cấp phép theo quy định. Các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các cơ sở giáo dục MNNCL không đảm bảo; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên…, từng bước đưa hệ thống giáo dục MNNCL phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, chung tay nâng cao chất lượng giáo dục bậc học MN tỉnh nhà.
Phạm Lâm