Chuyện học sinh "ngồi nhầm lớp"

(NTO) Những năm tháng học hành thời bao cấp, khi tôi vào lớp một, có bạn cùng lớp cao tồng ngồng cứ như học sinh (HS) lớp bốn vậy. Chẳng là do học kém nên hắn có thành tích ba năm liên tục “xây dựng” lớp (lưu ban).

Thời gian sau đó, ở các lớp học từ cấp một, cấp hai đến cấp ba, lớp học nào cũng có những HS ở lại do không đủ điểm lên lớp, trò ít nhất là một năm và nhiều nhất là ba năm. HS ở lại lớp, rớt thi tốt nghiệp cấp hai, không đủ điểm vào học cấp ba năm sau thi lại là chuyện bình thường. Sau này, đám bạn học xưa mỗi khi có dịp tụ tập hoặc họp mặt lớp cùng nhau ôn lại thuở học trò thường đùa: May mà bọn mình không có đứa nào đạt thành tích “xây dựng” lớp, trường.

Chuyện đi học xưa là vậy, có lên lớp, ở lại lớp, còn thời nay thì việc HS bị rớt ở lại lớp học cứ như chuyện ngụ ngôn vậy. Cô bạn cùng cơ quan than phiền: Đứa con lớn năm nay học lớp 10 nhưng bảng cửu chương không thuộc, đứa em nó bốn năm tiểu học đều đạt HS giỏi nhưng kiểm tra bảng cửu chương cũng chẳng hơn gì chị nó. Thế mới khổ chứ, hằng năm con có giấy khen đạt HS giỏi của trường, cha mẹ mừng hết cỡ, ai ngờ…! Thế nên mới có chuyện thầy, cô giáo THCS than phiền nhiều trò không có kiến thức cơ bản từ tiểu học nhưng vẫn được lên lớp. Làm thế nào để bù đắp lỗ hổng kiến thức căn bản tiểu học cho các em trong khi chương trình chính khoá THCS lại quá tải. Và cứ như qui luật, để đạt thành tích, các em THCS dù không đạt học lực nhưng bằng cách nào đó vẫn được vào học tại các trường THPT, nhưng phân tầng: giỏi vào trường chuyên, khá vào trường công, còn lại vào trường bán công, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Theo báo cáo tổng kết năm học 2015-2016 của một trường tiểu học trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm thì: HS lên lớp thẳng từ lớp 1 đến lớp 4 là 547/552, đạt tỷ lệ 99,1%; HS hoàn thành chương trình Tiểu học 109/109 HS, đạt 100%; số HS thi lại: 05/661, tỉ lệ 0,8 %; số lượng HS được khen thưởng cuối năm: 483/661 HS, đạt tỉ lệ 73,1%. Nếu tính cả số HS thi lại lần hai và đủ điểm lên lớp thì HS lên lớp từ lớp 1-4 của trường đạt 100%. Như vậy chất lượng học tập của HS toàn trường đạt từ trung bình trở lên (không có HS yếu kém phải lưu ban), trong đó HS giỏi chiếm tỉ lệ đa số (thể hiện qua số HS được khen thưởng). Cũng theo số liệu thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo, năm học 2014-2015, khối tiểu học có tỉ lệ HS hoàn thành chương trình tiểu học là 92,2%, số HS chưa hoàn thành chương trình chiếm 7,8% (số này phải thi lại để đủ điểm hoàn thành). Ở cấp độ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 thì toàn tỉnh đạt 96,9%. Nếu số liệu trên đây phản ánh đúng thực trạng chất lượng học tập của các em HS thì quả là đáng mừng. Tuy nhiên, giáo viên, cha mẹ HS sẽ là người biết thực chất năng lực học tập của các trò. Và việc HS ngồi nhầm lớp có lẽ là kết quả của việc chạy theo thành tích mà cả giáo viên, HS và cha mẹ HS đều là những đối tượng của nó.

Chuyện HS ngồi nhầm lớp phải chăng bởi có hiện tượng giáo viên dạy nhầm lớp? Như vậy thì việc phân tầng chất lượng HS, định hướng nghề nghiệp tương lai của các em sẽ hết sức khó khăn kèm theo sự lãng phí thời gian cùng tiền bạc của cha mẹ HS và xã hội. Việc tìm ra nhân tài ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường để chính quyền các cấp có chính sách đào tạo các em sau này trở thành hiền tài phục vụ cho đất nước sẽ trở nên khó khăn hơn. Việc HS ngồi nhầm lớp là hiện tượng phổ biến, để chấm dứt rất cần ngành GD&ĐT tạo có những cơ chế, chính sách khoa học, sát đúng thực tiễn đi đôi với các giải pháp quyết liệt để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu của đất nước.