Vấn đề hôm nay:

Hành động vì sức khỏe người tiêu dùng!

(NTO) Theo thông tin báo chí, ngày 26-5 vừa qua, các đơn vị chức năng của tỉnh đã tiến hành tiêu hủy khoảng 1 tấn măng tươi không đảm bảo chất lượng do sử dụng các chất cấm như “vàng ô” (Auramine), Natri sunfit vượt mức cho phép để tẩy trắng, nhuộm vàng măng của một cơ sở sản xuất ở phường Tấn Tài, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm. Đây như thêm một lời cảnh báo về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ngày càng phổ biến trên địa bàn tỉnh, hay nói khác hơn thực phẩm bẩn hiện đã và đang len lỏi vào bữa ăn của từng gia đình, làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng…Do đó, không thể không có những hành động cụ thể, thiết thực để loại trừ thực phẩm bẩn ra khỏi xã hội.

Người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm tươi sống tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều chương trình hành động nhằm cải thiện vấn đề VSATTP trên địa bàn và thực tế đã có những chuyển biến đáng kể. Chỉ tính riêng ngành Y tế, từ đầu năm đến nay đã tổ chức 148 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 4.305 cơ sở, trong đó có 3.540 cơ sở (chiếm 82,2%), đạt tiêu chuẩn, 765 cơ sở vi phạm (chiếm 17,8%); qua đó có 745 cơ sở nhắc nhở, 20 cơ sở bị xử lý phạt tiền trên 180,85 triệu đồng... Tuy nhiên, cân phân mà nói, nhận thức về ATVSTP của cộng đồng vẫn còn hạn chế; một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức về công tác đảm bảo ATVSTP, dẫn tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt, hiệu quả. Việc kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi còn buông lỏng, nhất là đánh giá chất lượng thực phẩm tại các chợ đầu mối, quán ăn đường phố... Lực lượng quản lý chuyên ngành về lĩnh vực ATVSTP còn mỏng, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe…

Do đó, để đấu tranh loại trừ thực phẩm không đảm bảo an toàn ra khỏi cộng đồng, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg “Về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm”. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo cùng với kiểm tra đột xuất về ATTP, cần kiên quyết xử lý cán bộ buông lỏng quản lý ATTP. UBND các cấp chịu trách nhiệm về bảo đảm ATVSTP trên địa bàn; xác định việc bảo đảm VSATTP là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo, điều hành; ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm ATTP… Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP của cơ quan nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Lãnh đạo các cấp từ xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn.

Phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các địa phương tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định bảo đảm ATVSTP, ký cam kết bảo đảm VSATTP. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải công bố quy trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm VSATTP. Xác định việc bảo đảm ATTP là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa. Mặt khác, tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2016 việc bảo đảm an toàn, vệ sinh đối với các loại thực phẩm tươi sống và các loại thực phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân...

Như vậy, có thể thấy trách nhiệm đảm bảo ATVSTP là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tuyên chiến, tẩy chay và loại bỏ thực phẩm bẩn ra khỏi xã hội chính là hành động cùng chung tay vì sức khỏe cộng đồng.