Kỷ niệm 68 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày truyền thống thi đua yêu nước (11/6/1948-11/6/2016):

Quạt cho phong trào thi đua yêu nước mạnh lên

(NTO) Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, các điển hình tiên tiến tham gia giao lưu tại Đại hội được Thủ tướng Chính phủ tặng mỗi đại biểu một chiếc quạt nan phủ giấy. Hình ảnh chiếc quạt nhắc chúng ta nhớ đến lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu “quạt cho phong trào lớn mạnh lên” đối với những người làm công tác thi đua, khen thưởng.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta bước vào giai đoạn hết sức khó khăn bởi ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Để chuẩn bị cho phát động thi đua cần phải có bộ máy giúp Chính phủ triển khai thực hiện, trước đó, ngày 1-6-1948, Người đã ký Sắc lệnh số 195/SL thành lập Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương và Ban vận động thi đua ái quốc các cấp. Cùng ngày, Người ký Sắc lệnh số 196/SL, cử một số vị đại diện cho Quốc hội, Chính phủ và các đoàn thể nhân dân tham gia vào Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương. Trong bức thư “Ý kiến sơ lược về thi đua ái quốc” gửi cụ Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Trước hết cần có cán bộ, cán bộ của phong trào thi đua phải giỏi cả lý luận và thực hành. Trên tinh thần đó, Người đã gửi thư cho ông Hoàng Đạo Thúy (tháng 6-1948) khi đó đang công tác ở Cục Quân huấn (Bộ Quốc phòng), mời ông về làm Tổng Bí thư Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho “Lão đồng chí” Thúy ngắn gọn, cụ thể và chân tình như sau: “Nay có một việc rất quan trọng, cần một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm và tính xốc vác. Tức là làm Tổng Bí thư cho Ban Thi đua Trung ương. Tôi muốn nhờ đồng chí phụ trách việc ấy, chắc đồng chí sẽ không từ chối. Vẫn biết bên Quốc phòng và Tổng chỉ huy cũng cần đồng chí giúp. Song nếu đồng chí bằng lòng, thì tôi sẽ tìm cách thu xếp”. Nhận và đọc thư của Bác Hồ, lão đồng chí Hoàng Đạo Thúy đã nhận lời. Ngày 20-8-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 207/SL cử ông Hoàng Đạo Thúy về làm Tổng Bí thư Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương. Trong buổi gặp mặt để nhận nhiệm vụ mới, ông Hoàng Đạo Thúy đã nhận được từ Bác Hồ một chiếc quạt giấy cùng lời căn dặn: “Chú dùng cái quạt này để quạt phong trào lớn mạnh lên”.

Trải qua 68 năm với các giai đoạn cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, tổ chức và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Khởi đầu của tổ chức chuyên môn làm công tác thi đua, khen thưởng là Viện Huân chương, được thành lập ngày 17-9-1947, trực thuộc Phủ Chủ tịch theo Sắc lệnh số 83/SL của Chủ tịch nước… Sau khi có Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003, ngày 25-8-2004, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương được thành lập, là cơ quan thuộc Chính phủ, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước; ở các tỉnh, thành phố là Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh thuộc UBND cấp tỉnh. Sau đó, năm 2008, thực hiện chủ trương Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, Chính phủ chuyển Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương vào đầu mối Bộ Nội vụ, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng cho đến nay. Theo đó, Ban Thi đua-Khen thưởng các tỉnh, thành phố sát nhập vào các Sở Nội vụ. Qua từng thời kỳ, tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng có thay đổi theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng nhưng đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Hiện nay, cả nước đã có một đội ngũ với hàng nghìn cán bộ chuyên trách, hàng vạn cán bộ kiêm nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng. Đội ngũ này đã và đang được tăng cường, củng cố một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng từ các bộ, ngành Trung ương đến các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước... Dù trải qua hình thức tổ chức hay bộ máy, đầu mối trực thuộc như thế nào, các thế hệ đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng vẫn luôn tiếp nối truyền thống vẻ vang của ngành Thi đua-Khen thưởng, làm tốt nhiệm vụ “quạt cho phong trào lớn mạnh lên” góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Cùng với cả nước, từ ngày tái lập tỉnh (tháng 4-1992) đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng tỉnh Ninh Thuận luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở, đã có nhiều nỗ lực tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Cùng với tham mưu đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, đội ngũ cán bộ thi đua, khen thưởng còn giúp các cấp giải quyết tốt công tác khen thưởng tồn đọng kháng chiến cho hàng chục ngàn trường hợp người có công với nước qua ba thời kỳ cách mạng, khen thưởng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, hàng chục tập thể, cá nhân, góp phần tổng kết thành tích kháng chiến, xây dựng truyền thống anh hùng của quân và dân Ninh Thuận. Bên cạnh đó, còn giúp cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở lãnh đạo tổ chức thành công Hội nghị Điển hình tiên tiến, Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh vào các năm 2000, 2005, 2010 và 2015. Qua đó, tổng kết những đóng góp to lớn của toàn dân trong phong trào thi đua yêu nước đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, khen thưởng và biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Bước vào giai đoạn 2016-2020, những người làm công tác thi đua, khen thưởng trong toàn tỉnh tiếp nối phát huy truyền thống thi đua yêu nước, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 52-CT/TU ngày 28-5-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Luật Thi đua, Khen thưởng.

Tự hào về truyền thống 68 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc-Ngày truyền thống thi đua yêu nước, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng tỉnh nhà tiếp tục đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực tham mưu cho lãnh đạo các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị “quạt cho phong trào lớn mạnh lên”, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII.