CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Biết hại sao vẫn… “dính” vào!

(NTO) Anh bạn tôi đã có không dưới 10 lần bỏ thuốc lá mà lần nào cũng “ra” quyết tâm cao lắm, thậm chí là tự… “từ” chính bản thân nếu “tái phạm”. Ấy vậy mà chỉ sau một thời gian - dài thì 3 tháng còn ngắn thì cũng chỉ hơn 2 tuần- là hút lại với “liều” cao hơn và cũng rất nhiều lý do được “nại” ra xem chừng cũng… chính đáng lắm: -Nào là bỏ thuốc sẽ lên cân, tăng huyết áp; nào là ảnh hưởng đến tư duy sẽ không làm tốt công việc!… Mới đây, anh bạn tôi lại cho biết đã chính thức từ bỏ “tương tư thảo” đúng vào ngày 31-5 để hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ 25-31/5). Anh nói “chắc như đinh đóng cột”:-Đây là lần cuối, nếu ông thấy tôi hút lại thì… nghỉ chơi tôi luôn!.

Thực ra, không phải riêng anh bạn tôi khó bỏ được thuốc lá mà có rất nhiều người cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nói thì dễ nhưng làm được mới khó.

Có người còn ví von rằng, ca dao đã “đúc kết”: - “Nhớ ai như nhớ thuốc lào-Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” kia mà!. Vậy đấy, hút thì vẫn hút nhưng qua thông tin báo chí hầu như mọi người đều biết rất rõ rằng bản thân đã tự “nạp” vào người các chất độc hại mà phần lớn đều dẫn đến “con đường” ung thư. Bởi lẽ, theo tài liệu y khoa trong khói thuốc lá có đến gần 7.000 hóa chất, phần lớn là độc hại và nếu sử dụng thường xuyên có thể sẽ mắc hàng chục bệnh nguy hiểm. Theo Bộ Y tế, có tới 90% số người mắc bệnh ung thư phổi, 75% số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… mà nguyên nhân là do sử dụng thuốc lá!. Cũng theo thống kê mới đây, nước ta nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới, tiêu tốn không dưới 22 ngàn tỷ đồng mỗi năm, có trên dưới 40 ngàn cái chết do các bệnh có liên quan đến thuốc lá, đồng thời có 33 triệu người không hút thuốc nhưng bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động…

Nêu ra con số trên để thấy rằng tác hại của thuốc lá là rất lớn trong cộng đồng. Chính vì lẽ đó, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được Quốc hội thông qua tháng 6-2012 và có hiệu lực từ 1-5-2013. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” nhằm giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra…

Theo lời khuyên của thầy thuốc, đó là nếu từ bỏ thuốc lá sẽ có lợi cho sức khỏe, như cơ thể sẽ không còn tích lũy chất độc, loại trừ được nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh nguy hiểm…

Mong rằng, những người còn đang hút thuốc lá cần có hành động đúng cho chính mình và cộng đồng.